Tắc vì “cục máu đông”
Theo Wall Street Journal, cũng giống như nhiều nước châu Á khác, Chính phủ Việt Nam đã dồn một lượng vốn lớn để kích thích nền kinh tế trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Giờ đây, ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức vay vốn gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, theo đó làm gia tăng những lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Số liệu từ Bộ Tài chính được báo chí trong nước trích dẫn cho thấy, các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam thiếu khả năng thanh toán 20%-30% trong tổng số 415 nghìn tỷ đồng đã vay từ các ngân hàng. Tổng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã đạt mức 280 nghìn tỷ đồng, tương đương 11% GDP.
Nợ xấu được ví như cục máu đông trong mạch máu, nên có bơm đến mấy, máu tín dụng vẫn không thể chảy được. Nợ xấu chính là lý do khiến các ngân hàng thời gian qua không dám tiếp tục cho vay, dù nguồn vốn không thiếu. Ngân hàng phải thận trọng hơn với các khoản vay để tránh các khoản nợ xấu tiếp theo, dẫn tới hậu quả là các ngân hàng có tiền mà không cho vay được, còn nền kinh tế thì vẫn tiếp tục khát vốn.
Có nhiều biện pháp xử lý nợ xấu đã được đề ra như thành lập công ty mua bán nợ xấu; Ngân hàng Nhà nước sẽ mua các khoản nợ xấu và sẽ sở hữu một phần vốn điều lệ, cổ phần của các ngân hàng thương mại; kêu gọi đầu tư, tăng vốn để có nguồn tài chính giải quyết nợ…Việc mua bán nợ thông qua các tổ chức mua bán nợ có thể coi là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất, giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính.
Tuy nhiên, có thể thấy nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu là từ bất động sản, chứng khoán và đa số ngân hàng thương mại cổ phần là “sân sau” của các cổ đông lớn, như vậy việc xử lý nợ xấu thực chất để giải cứu cho những cổ đông lớn đang còn mắc kẹt trong bất động sản. Bởi vậy, việc đổ vốn nhà nước vào để xử lý nợ xấu, giải cứu cho thị trường bất động sản là đi ngược với chủ trương của Chính phủ, không thể “nắn” dòng vốn đi vào sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu…
Trong điều kiện vốn có hạn như hiện nay, nếu để chảy quá nhiều vào bất động sản thì cạn nguồn, không còn vốn cho sản xuất, kinh doanh, không chặn đà giảm phát, phá sản, thất nghiệp đang ngày càng lan rộng. Ngoài ra, khi thành lập công ty mua bán nợ xấu hay khi Ngân hàng Nhà nước mua các khoản nợ xấu cần cân nhắc 3 vấn đề: nguồn lực tài chính; hoàn thiện môi trường pháp lý về việc mua bán nợ; và phải tính toán cụ thể mức giá mua và dự kiến sau này thoái vốn như thế nào.
Tái cấu trúc để thoát nợ
Trong bối cảnh nợ xấu nêu trên, giải pháp tái cấu trúc chính doanh nghiệp đang có nợ xấu có thể được cân nhắc áp dụng. Chuyên gia Matthew Lourey – Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp của Công ty Grant Thornton Việt Nam cho rằng việc ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp có nợ xấu thực hiện tái cấu trúc đưa lại kết quả là doanh nghiệp có được hoạt động bền vững và không bị rơi vào tình trạng phá sản.
Tái cấu trúc doanh nghiệp được hiểu một cách tổng quát là quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc hiện tại và đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra trong những điều kiện, hoàn cảnh luôn thay đổi. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng tốt hơn” cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dựa trên những nền tảng vê sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của doanh nghiệp.
Tái cấu trúc doanh nghiệp để xử lý nợ xấu xuất phát từ áp lực bên ngoài có những đặc điểm riêng, khác với tái cấu trúc doanh nghiệp định kỳ theo chu kỳ của thị trường, tái cấu trúc xuất phát từ các áp lực bên trong doanh nghiệp nhưng cũng bao gồm các nội dung chính như:
Thứ nhất, điều chỉnh cơ cấu hoạt động: điều chỉnh cơ cấu các mục tiêu chiến lược, ngành nghề kinh doanh, chủng loại sản phẩm hàng hóa, địa bàn hoạt động…Doanh nghiệp phải tái cấu trúc để xử lý nợ xấu sẽ phải điều chỉnh lại mục tiêu chiến lược, chỉ tập trung vào ngành nghề kinh doanh, chủng loại hàng hóa, địa bàn hoạt động đang đem lại lợi nhuận và hiệu quả cao nhất; các ngành nghề, chủng loại hàng hóa, địa bàn khác sẽ phải bị cắt giảm, hạn chế.
Thứ hai, điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; căn cứ vào điều chỉnh cơ cấu hoạt động mà có sự phân công lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận, các cấp quản lý, các chức danh…Chỉ giữ lại những bộ phận, cấp quản lý, chức danh thật sự cần thiết.
Thứ ba, điều chỉnh cơ cấu thể chế và các nguồn lực: điều chỉnh các cơ chế, chính sách thông qua sự rà soát, thay đổi hợp lý hóa từ các quy trình công việc đến các quy chế, quy định và điều chỉnh cơ cấu đầu tư tạo lập các nguồn lực và tái phân bổ sử dụng các nguồn lực với phương châm “Thắt lưng buộc bụng” để vượt qua thời kỳ khó khăn.
Để thực hiện các nội dung trên, với sự trợ giúp/ yêu cầu của ngân hàng và các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp cần khảo sát, đánh giá mô hình cấu trúc hiện tại và thiết lập mô hình cấu trúc công ty mới; đặc biệt tái thiết lập chính sách quản trị kế toán, tài chính và quản trị chiến lược cung ứng, tiếp thị, kinh doanh, sản xuất, kỹ thuật…
Theo ý kiến của chuyên gia chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: “Hiện nền kinh tế đang phải hứng chịu hệ quả của bong bóng bất động sản từ những năm 2007-2008, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực tế, giống như một cốc bia, bia thì ít, nhưng bọt thì nhiều. Và khổ thay, một phần bọt đó đang là tài sản thế chấp của các ngân hàng. Vì vậy, muốn mua nợ xấu bất động sản, cần phải tính toán kỹ càng, chỉ mua những khoản nợ xấu bất động sản ở những phân khúc có thể “làm ấm thị trường”.
Nếu doanh nghiệp làm tốt việc tái cấu trúc, song song với việc mua bán nợ xấu hay sau khi được mua lại nợ, tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể được cải thiện với phương án kinh doanh hiệu quả. Khi doanh nghiệp phục hồi, lành mạnh hóa tài chính rồi thì món nợ đó có thể bán trở lại thậm chí có lãi.
Tái cấu trúc doanh nghiệp để xử lý nợ xấu là một công việc hết sức khó khăn, ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam đang chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này. Hy vọng Hội nghị thường niên CEO summit 2012 – Diễn đàn của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vào ngày 02 tháng 8 năm 2012 tại Hà Nội với chủ đề: “Tái cấu trúc doanh nghiệp: Kinh nghiệm Quốc tế và thực tiễn áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam” sẽ đưa ra được những bài học bổ ích cho các doanh nghiệp đang cần phải tái cấu trúc./.
Ngày 02/8/2012, tại khách sạn Sheraton Hà Nội, lần thứ tư liên tiếp Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2012 do báo VietNamNet và Vietnam Report phối hợp tổ chức. Đây là dịp để lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến về các nhóm giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Để biết thêm chi tiết vui lòng truy cập: www.vietnamreport.net |