Trang chủ » Tranh luận » Doanh nghiệp VNR500 và cám dỗ tập đoàn

Doanh nghiệp VNR500 và cám dỗ tập đoàn

Tác giả:

Nói đến doanh nghiệp VNR500 là nói đến các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu (Bảng xếp hạng VNR 500) do Vietnam Report công bố thường niên.

Nhìn vào Bảng xếp hạng chung năm 2008, có thể thấy 8 trong số 10 doanh nghiệp hàng đầu là các tập đoàn, các tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty xăng dầu, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không Việt Nam …

Trong danh sách TOP 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam có những công ty cổ phần tập đoàn, tổng công ty như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, Công ty Cổ phần Prime Group, Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh, Tổng công ty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu FOODINCO, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Tập đoàn T & T, Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka, Công ty cổ phần tập đoàn Phú Thái, Công ty CP tập đoàn CMC, Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành…

Website VNR 500

Tập đoàn, tổng công ty là hình thức tổ chức doanh nghiệp tiên tiến, nó có các ưu thế như quy mô lớn, khả năng chống đỡ rủi ro tốt, hiệu quả là lợi ích kinh tế cao, cạnh tranh thị trường vững, dễ dàng đa dạng hoá ngành nghề, thương hiệu mạnh….

Tổ chức theo mô hình tập đoàn, tổng công ty được coi là bước tất yếu trong sự phát triển của doanh nghiệp hiện đại, có lợi cho việc nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, trình độ kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và tiêu thụ.

Lựa chọn mô hình tập đoàn cũng là một giải pháp để khắc phục những nhược điểm các tổng công ty nhà nước hiện nay. Xây dựng tập đoàn kinh tế không phải là mục tiêu, mà là kết quả của quá trình phát triển mang tính tự nhiên, tất yếu và không lấy cơ cấu sở hữu để giải thích những yếu kém khi lựa chọn mô hình.

Nhiều tập đoàn ở các nước trong khu vực có tỷ trọng sở hữu nhà nước lớn nhưng hoạt động rất hiệu quả như Temasek, Singapore Airline (Singapore), Petronas (Malaysia).

TIN LIÊN QUAN
Từ DN lớn trở thành DN trụ cột: Khó khăn nhiều chiều
Kinh tế VN: Không khủng hoảng, nhưng có tăng trưởng bền vững?
Doanh thu có thể hiện “đẳng cấp” của doanh nghiệp?

Khái niệm Tập đoàn và sự khác nhau giữa các Tập đoàn

Tập đoàn là một tổ hợp các pháp nhân, có mối liên kết kinh tế với nhau. Ở đây cần phân biệt rõ “tập đoàn”có tư cách pháp nhân tức là nói đến công ty mẹ của tổ hợp tập đoàn (Tập đoàn nhà nước thí điểm theo quyết định của Chính phủ, công ty cổ phần tập đoàn).

“Tập đoàn” không có tư cách pháp nhân nghĩa là ám chỉ toàn bộ tổ hợp, có mối liên kết với nhau theo mô hình tập đoàn, và làm rõ địa vị pháp lý sẽ tránh những hiểu lầm trong quyết định với các đối tác trong và ngoài nước. Trên thế giới, tập đoàn kinh tế không phải là pháp nhân, kể cả những tên tuổi lớn như Microsoft hay Coca-cola cũng chỉ đăng ký trước pháp luật dưới hình thức công ty.

Đối với 8 tập đoàn nhà nước thí điểm doanh thu của cả Tập đoàn như một pháp nhân sẽ được tính chung và chắc chắn đó là một con số khổng lồ, dễ dàng đưa Tập đoàn vào danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đối với các tập đoàn kinh tế khác, trong cùng một tập đoàn có thể có nhiều doanh nghiệp được đưa vào Bảng xếp hạng VNR 500 do các doanh nghiệp đó có pháp nhân riêng, doanh thu được tính riêng.

Thống kê doanh nghiệp lọt vào Bảng xếp hạng VNR500 2008

Có thể thấy có những ngành đem lại lợi nhuận trước thuế rất cao như Khai thác, thăm dò và dịch vụ dầu khí (tổng lợi nhuận trước thuế là 15.590 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 13,63% trên tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp VNR500); Ngân hàng, tài chính, chứng khoán (tổng lợi nhuận trước thuế là 17.559 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 15,34% trên tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp VNR500); Viễn thông và công nghệ thông tin (tổng lợi nhuận trước thuế là 19.543 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 17,08% trên tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp VNR500).

Thống kê cũng cho thấy các ngành Bất động sản (tổng lợi nhuận trước thuế là 4.989 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,36% trên tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp VNR500) và Sản xuất, kinh doanh phụ tùng ô tô (tổng lợi nhuận trước thuế là 3.746 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 3,27% trên tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp VNR500).

(Nguồn: Công ty VietNamNet Report 12/2008)

Có ý kiến cho rằng nên xây dựng một khung pháp lý thừa nhận tư cách pháp nhân của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Đây cũng là một cám dỗ lớn vì nếu có một khung pháp lý như vậy với chính sách khuyến khích phát triển phù hợp các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết hợp lại thành những pháp nhân khổng lồ.

Tập đoàn kinh tế được hình dung giống như một đoàn thuyền đi trên biển – chỉ huy đoàn thuyền là công ty mẹ, được hình dung như chiếc “hàng không mẫu hạm”.

Mặc dù có cám dỗ lớn mạnh trở thành tập đoàn, việc tổ chức và điều hành một đoàn tàu như vậy trước những sóng gió của kinh tế thị trường không phải là điều dễ dàng.

Tập đoàn doanh nghiệp tư nhân được phát triển qua nhiều năm dựa trên tài trí của một người hoặc một nhóm người. Tố chất và khí phách của những người sáng lập doanh nghiệp trong giai đoạn tích luỹ tư bản là rất quan trọng nhưng sau đó, khi phát triển thành tập đoàn, những người này dường như phải đối mặt với vấn đề lập nghiệp lần thứ hai – tổ chức xây dựng doanh nghiệp trên một tầm cao mới, với một mô hình mới.

Thực tế cho thấy một số tập đoàn doanh nghiệp trong một thời gian ngắn đã mở rộng quy mô, hình thành một hệ thống với rất nhiều doanh nghiệp nhưng những yếu tố bên trong tạo nên sức mạnh của tập đoàn như quản trị, nghiên cứu phát triển, xây dựng thương hiệu… chưa được chú ý thích đáng.

Khi đã hoạt động theo mô hình tập đoàn – dù là tập đoàn kinh tế tư nhân cũng cần phải thiết kế hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn hiện đại. Sự khiếm khuyết trong quản trị như điều hành thiếu dân chủ, tuỳ tiện, không tuân theo quy chế quản trị tập đoàn là một trong những nguyên nhân khiến mô hình tập đoàn đổ vỡ.

Xu thế phát triển của các Tập đoàn

Kinh doanh đa ngành nghề là một đặc trưng và là một thế mạnh giúp tập đoàn phân tán rủi ro trong kinh doanh “không đem trứng gà đặt trong cùng một giỏ”, tạo nên sự phát triển ổn định. Tuy nhiên nếu theo đuổi chiến lược kinh doanh đa ngành nghề một cách quá mức sẽ làm những người lãnh đạo và điều hành tập đoàn rơi vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, vì vậy khó có thể đưa ra những quyết định chính xác.

Ở đây có thể lấy kinh nghiệm thành công của Tập đoàn Lenovo của Trung quốc, thành lập từ năm 1985 đến nay chỉ chú trọng phát triển ngành máy vi tính. Năm 1992 khi cơn sốt thị trường bất động sản bùng phát, một số thành viên trong Tập đoàn đưa ra chủ trương đầu tư vào bất động sản, nhưng lãnh đạo Tập đoàn kiên quyết đi theo định hướng chiến lược đã lựa chọn. Lúc đầu chi phí đầu tư mở rộng ngành máy vi tính rất cao, nhưng cuối cùng Tập đoàn đã giành được thị phần lớn trên thị trường.

Xu thế phát triển của các tập đoàn kinh tế nói chung là cổ phần hoá tư bản, khoa học hoá quản lý, quốc tế hoá kinh doanh. Trước cám dỗ tập đoàn hoá – trở thành tập đoàn để hoạt động với quy mô lớn, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng cần có sự cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng, căn cứ vào yêu cầu quản lý doanh nghiệp đưa ra mô hình thích đáng với cơ chế vận hành hoàn thiện, đảm bảo thực hiện chiến lược kinh doanh cốt lõi từ đó tránh được kết quả 1+1<2.

Kết quả hoạt động, quy mô của các doanh nghiệp hàng đầu được thể hiện phần nào trong Bảng xếp hạng VNR500. Trong năm tới, sẽ có những tổng công ty, công ty cổ phần tập đoàn lọt vào trong TOP 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

  • Antony Phạm (VNR Research Division)