Tháng Ba Tây Nguyên
Tháng Ba năm 2002, lần đầu tiên người viết đặt chân lên Tây Nguyên. Nhưng không phải đi xem “con ong đi lấy mật”, “con voi xuống sông uống nước”, cô gái “đi phát rẫy làm nương”, hay chàng trai “vào rừng đặt bẫy cài chông”, như trong lời bài hát của nhạc sĩ Trần Chung.
Chuyến đi đó, do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và Bộ Ngoại giao tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho các phóng viên quốc tế và cả Việt Nam đi “thâm nhập thực tế” để hiểu rõ thực chất của những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn người thuộc các dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, diễn ra cách đó một năm ở Tây Nguyên.
Các hãng truyền thông khác nhau đã có những cách đánh giá khác nhau. Ở đây người viết xin đơn cử cách nhìn của một nhân vật bên ngoài giới truyền thông, vốn là Trưởng ty Phát triển sắc tộc thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, Đệ nhất Phó Thủ tướng Fulro, và sau này là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.
“Vụ việc tháng 2/2001, (và tháng 4/2004), là do một bộ phận bà con dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến những việc làm trái với pháp luật… Cái gọi là “Nhà nước Đề ga độc lập”, “Tin lành Đề ga” thực chất là chiêu bài, âm mưu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, mà đứng đầu là tên tay sai Ksor Kơk do Mỹ dựng lên, nhằm kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại công cuộc đổi mới, phá hoại cuộc sống bình yên của buôn, làng và tương lai tốt đẹp của cộng đồng dân tộc gốc Tây Nguyên”, ông Ya Duck, người dân tộc C’Ho, nói.
Theo tìm hiểu của người viết, bên cạnh nguyên nhân đã được ông Ya Duck nêu ra, đời sống khổ cực của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một nguyên nhân khiến họ dễ dàng bị “xúi giục”, với những lời hứa hẹn được đi Mỹ, hay chí ít cũng được nuôi không ở các trại tị nạn được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (UNHCR) lập ra trên lãnh thổ nước láng giềng là Căm pu chia. Có thông tin còn nói rằng nhiều người sẵn sàng đi biểu tình với cái giá thuê “biểu tình” là vài chục ngàn đồng/người/lượt.
Từ đó đến nay, chính quyền mỗi tỉnh ở Tây Nguyên, trong sự kết hợp với trung ương, đều cố gắng tìm hướng đi của riêng mình, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, qua đó nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Cùng chung tay với họ luôn có những doanh nghiệp hàng đầu của quốc gia trong từng lĩnh vực.
Kon Tum nổi bật với các dự án thủy điện lớn nhỏ, với con chim đầu đàn là EVN. Gia Lai là ngành khai thác và chế biến gỗ, cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, với “tiều phu trưởng” Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai. Lâm Đồng và Đắc Nông (tách ra từ Đăk Lăk từ năm 2004) nổi tiếng với các dự án khai thác bô-xít, tạm thời là Tân Rai và Nhân Cơ.
Còn Đăk Lăk dường như vẫn kiên trì với định hướng phát triển cà phê – ngoài việc đưa Việt Nam lên hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu, đã làm nên tên tuổi cho Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ.
Những ấn tượng về Đặng Lê Nguyên Vũ
Trong chuyến đi Tây Nguyên mùa Xuân năm đó, điều đáng tiếc duy nhất của người viết là không phỏng vấn được ông chủ Trung Nguyên. Đặng Lê Nguyên Vũ lúc đó đang gây nhiều sự tò mò của dư luận vì thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi như cồn, và cả vì cái cách lập nghiệp kiểu Bill Gates, khi năm 1996 chàng sinh viên y khoa đã xếp bút nghiên để nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt là phong cách thời trang của Đặng Lê Nguyên Vũ giống hệt nhà lập thuyết nổi tiếng Tôn Trung Sơn.
Theo nhân viên Trung Nguyên thông báo, lúc đó Vũ đang bận ở Sài Gòn.
Kể từ đó cho tới tận thời điểm đang ngồi viết bài này, chưa bao giờ người viết có dịp phỏng vấn Vũ. Mặc dù không phải là không có những lúc giáp mặt ông.
Lần đầu tiên là vào đầu năm 2006, khi ông Phan Văn Khải có cuộc gặp cuối cùng với giới doanh nghiệp, trước khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình.
Còn nhớ, hôm đó hội trường tầng 2 của Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) chật kín người, nên mãi tới gần cuối cuộc gặp người viết, cùng nhiều đồng nghiệp khác không có giấy mời của VCCI, mới được lực lượng cảnh vệ “thương tình” cho vào.
Lúc đó, trộm vía, người viết đã chợt nghĩ rằng giá có sự đổi vai thì hay bao nhiêu: Thủ tướng nêu cao tinh thần Đại Việt, còn doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng như hầu hết các doanh nhân khác, cười tươi! |
Vừa bước vào hội trường, một giọng nói trầm ấm, nhưng vẫn sang sảng, đập vào tai người viết. Vũ, nét mặt đầy quyết đoán, đang đứng say sưa nói về tinh thần Đại Việt trong kinh doanh. Ngồi bên cạnh, Thủ tướng Phan Văn Khải đang nở nụ cười tươi.
Lần thứ hai là tại cuộc hội thảo “Ngoại giao văn hóa”, do Vụ Văn hóa – UNESCO của Bộ Ngoại giao chủ trì, vào đầu quý 4 năm 2008. Lần này, người viết được nghe bài thuyết trình của Vũ về mối liên quan giữa văn hóa thưởng thức cà phê và phát triển kinh tế tri thức. Bài thuyết trình với đầy đủ slides minh họa đã thực sự gây ấn tượng với mọi người có mặt ở Nhà khách Chính phủ lúc đó.
Người viết, lại trộm vía, tự nhiên đã nghĩ tới câu nói của nhà cách mạng nổi tiếng thế giới có tên là Vladimir Ilitch Lenin cách thời điểm đó khoảng 9 thập kỷ về mối liên quan giữa sách – tri thức và chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa cộng sản. |
Chưa biết mối liên quan giữa cà phê và kinh tế tri thức mà Vũ trình bày có đóng góp gì cho chính sách ngoại giao kinh tế mà Bộ Ngoại giao đang tiến hành hay không, nhưng đối với ngoại giao văn hóa, vai trò này đã được khẳng định.
Một quán cà phê Trung Nguyên mang tên “Hội quán Sáng tạo” đã được khai trương vào đầu tháng 5/2009, ngay trước cửa Bộ Ngoại giao, để trở thành nơi giao lưu cho giới ngoại giao Việt Nam với các giới khác trong nước, cũng như là với giới ngoại giao nước ngoài. Hơn nữa, nghe nói trong qui chuẩn mới về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dự kiến sẽ được triển khai trong năm nay, cà phê Trung Nguyên và văn hóa cà phê đi kèm cũng sẽ được đưa vào là một trong những thủ tục ngoại giao bắt buộc.
Và chưa hẳn vị trí của cà phê chỉ dừng ở đó trong mối liên quan đến nền ngoại giao Việt Nam. Trong thắng lợi không cần bàn cãi của ngành ngoại giao Việt Nam trong năm ASEAN 2010 này biết đâu đã có sự đóng góp của tinh thần sáng tạo của cà phê – một triết lý mà Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu thúc đẩy kể từ cái hội thảo ngoại giao văn hóa cách đây hơn hai năm.
Triết lý sáng tạo trong mô hình tăng trưởng xanh
Vào đúng ngày 24/12/2010 vừa rồi, người viết lại có dịp ngồi nghe Vũ nói, trong dịp trở lại Buôn Ma Thuột sau gần 9 năm để dự hội thảo “Về xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu và phát triển Đắk Lắk thành địa bàn kinh tế xanh trọng điểm”. Cuộc hội thảo kéo dài trọn một ngày này do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên và Văn phòng Chính phủ đồng chủ trì.
Hôm đó, ngoài bản thuyết trình khá dài về hai chủ đề “Tinh thần cà phê và cà phê triết đạo” và “Đại cương về xây dựng thương hiệu vùng – miền – tỉnh thành phố”, Vũ còn là người phát biểu kết luận hội thảo.
Tuy không còn mặc bộ quần áo kiểu “Tôn Trung Sơn”, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn tạo ấn tượng cho những người ngồi trong phòng hội thảo hôm đó về một nhà lập thuyết. Triết lý cà phê của ông đã được nâng lên thành “cà phê triết đạo”.
Vũ nói: “Nói tới Trà đạo, nhiều người trầm tư mặc tưởng, tỏ vẻ tán thành, nhưng nói đến Cà phê triết đạo, thì có lẽ không ít người hoặc thắc mắc, hoặc mỉm cười: Làm gì có cái được gọi là Cà phê triết đạo?! Thái độ hoặc hoài nghi, hoặc chế giễu trên đã quên mất một điều hoàn toàn hệ trọng: Đạo hay Triết đạo, đều chẳng phải tự thân không trên trời rơi xuống, mà chính là do con người tạo ra. Vậy cứ cho là Cà phê triết đạo chưa có, thì ai ngăn cản được chính chúng ta tạo ra?”
Mặc dù biết không thoát khỏi “cái vòng kim cô” mà Vũ tạo ra, người viết vẫn phải thành thực thú nhận về “thái độ hoài nghi” của mình. Bởi một lý do rất đơn giản: Hồi còn học đại học, người viết đã phải thi lại môn triết học đến lần thứ ba.
May mắn là có ít nhất một người cũng chia sẻ “thái độ” này với người viết. Đó là ông Phan Diễn, khi vị nguyên thường trực ban bí thư thú thực rằng ông cũng không mấy hiểu. Điều may mắn cho người viết có khi lại là điều không may cho ông Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, người đang chờ đợi đề án trên được Chính phủ thông qua, bởi ông Phan Diễn, đã từng là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vốn nổi tiếng là vị lãnh đạo có khả năng nắm bắt vấn đề rất nhanh.
Nhưng có một điều người viết không hề mảy may hoài nghi: Đặng Lê Nguyên Vũ là một người hết sức nghiêm túc trong ý tưởng mình theo đuổi! Không phải thông qua những phát biểu hùng hồn trước đám đông, mà qua những tìm tòi nghiên cứu, những sự học hỏi nghiêm túc từ những hội thảo, do chính ông bỏ tiền và công sức ra tổ chức, như thế này.
Người viết sẽ lần lượt thuật lại những ý kiến của họ trong một chuyên mục Mở tầm nhìn trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF). Và tại sao lại không phải là “Cà phê Thứ Sáu”, khi từ “Thứ Sáu” gợi nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (nhóm Thứ Sáu) – một người nổi tiếng về những quyết định mang tính đột phá, và buổi hội thảo hôm đó ở Buôn Ma Thuột cũng diễn ra vào Thứ Sáu? |
Niềm tin này càng được chứng thực bởi sự có mặt của những nhân vật có máu mặt trong giới nghiên cứu, từ Võ Tòng Xuân, Võ Đại Lược, hay Võ Trí Thành, đến Trần Đình Thiên, Đặng Kim Sơn, hay Dương Trung Quốc. Họ đều chăm chú lắng nghe Đặng Lê Nguyên Vũ trình bày ý tưởng của mình, và đều đưa ra những góp ý sắc sảo và xác đáng.
Một trong số những nhà nghiên cứu đó, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đã nói: “Mặc dù đề án này còn rất nhiều điều thiếu khả thi, nhưng không thể phủ nhận rằng Đặng Lê Nguyên Vũ là một người hoàn toàn nghiêm túc, và là một trong số những doanh nhân đích thực. Và điều anh theo đuổi về một mô hình tăng trưởng xanh cho Đắk Lắk, và cả Tây Nguyên, là một ý tưởng tốt đẹp!”
Và hợp với xu thế phát triển sắp tới của Việt Nam, và thế giới nói chung. Ít nhất, “tăng trưởng xanh” cũng tốt hơn “tăng trưởng đỏ” (ở Đắk Nông và Lâm Đồng). Hay chặt cây – xuất khẩu đồ gỗ và phá rừng – xây thủy điện (Kon Tum và Gia Lai).
Để “Trời Tây Nguyên xanh/ Hồ trong nước xanh/ Trường Sơn xa xanh ngút ngàn cây xanh”, như trong bài hát “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Hoàng Vân.