Trang chủ » Tranh luận » Ngân hàng Việt đối mặt 3 mối nguy

Ngân hàng Việt đối mặt 3 mối nguy

Tác giả:

LTS: Tiếp mạch bài “nóng” về tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) – báo VietNamNet giới thiệu bài viết mổ xẻ lý do cần phải nhanh chóng tái cấu trúc các ngân hàng Việt cũng như đề xuất các giải pháp của nhóm tác giả StoxPlus Corporation gửi đến. Bài viết cũng khép lại chủ đề này, hy vọng ít nhiều gợi mở hướng đi cho các nhà quản lý. Mời độc giả cùng tham khảo và đóng góp ý kiến.

Dư nợ chiếm 120% GDP

Tính đến 31/12/2010, theo NHNN, tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lên tới hơn 3,5 triệu tỷ VND (175 tỷ USD) và dư nợ cho vay ở mức 125 tỷ USD, tương đương với 120% GDP của nền kinh tế (Thái Lan: 100%, Hàn Quốc 80%). Đây là một mức nợ cao báo động so với cung bậc hiện tại của kinh tế Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn rất nhiều so với GDP (30% năm trong ba năm từ 2008 đến 2010), các ngân hàng đã tạo ra một lượng cung tiền cực kỳ lớn ra nền kinh tế và hậu quả là lạm phát cao. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ trước đó đã đầu tư tràn lan kém hiệu quả và vấn đề nợ xấu đang là vấn đề thời sự nhất của ngành ngân hàng.

Nới lỏng chính sách đã làm gia tăng cạnh tranh trong ngành và làm tăng giá trị sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, nhưng không khuyến khích được các ngân hàng phát triển một cách thận trọng và bền vững. Các ngân hàng đã huy động một khối lượng vốn khổng lồ và tăng trưởng ồ ạt hoạt động tín dụng trong khi nhiều ngân hàng mới thành lập chưa có đủ chuyên môn, công nghệ và nhân sự tốt để quản lý hiệu quả nguồn vốn và quản lý tốt rủi ro. Ngành ngân hàng được coi là hấp dẫn và có lãi, nhưng theo tính toán tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (“ROE”) trung bình theo số liệu 2010 chỉ có 12,9%.

3 mối nguy của ngân hàng Việt: Nợ xấu, vốn và thanh khoản (ảnh Đất Việt)

Bên cạnh đó, Việt Nam có mức hội nhập cao so với nền kinh tế toàn cầu và là một trong các nền kinh tế mở nhất thế giới với tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu đạt 150% GDP. Và do đó, khủng hoảng kinh tế và tài chính trong nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của của khủng hoảng tài chính thế giới và khủng hoảng nợ công tại châu Âu.

Để xác định rõ ảnh hưởng của khủng hoảng lên hệ thống ngân hàng thì cần phải có sự rà soát độc lập, kỹ lưỡng về tỷ lệ nợ xấu nợ, nợ không hiệu quả. Chỉ khi thực hiện được công tác này thì mới xác định rõ được mức độ tổn thất vốn và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có thể đưa ra được các biện pháp phù hợp giúp các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại vốn.

3 mối nguy: Nợ xấu, vốn và thanh khoản

Bất kỳ một cuộc khủng hoảng tài chính nào cũng liên quan đến bốn vốn đề chính trong ngành ngân hàng: (1) chất lượng tài sản kém; (2) thiếu vốn tự có; (3) gặp khó khăn về thanh khoản; và (4) các vấn đề yếu kém về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro. Theo chúng tôi, Chính phủ đặt vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách mạnh mẽ và triệt để lúc này là kịp thời, với những lý do sau đây:

Thứ nhất, nợ xấu và nợ dưới chuẩn (Non Performing Loan – “NPL”) của các ngân hàng Việt Nam theo NHNN ở mức 3,1% tổng dư nợ tại ngày 30/6/2011, tương đương gần 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ thực tế gần đây về các vụ vỡ nợ tại nhiều địa phương thì dự báo tỷ lệ NPL sẽ gia tăng mạnh. Theo công bố của NHNN, các ngân hàng Việt Nam có 12% dư nợ tương đương với hơn 12 tỷ USD nằm trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Đây là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng khoảng kinh tế. Giả sử 1/3 trong số này có vấn đề, thì NPL sẽ tăng thêm 4 tỷ USD nữa.

Hơn nữa, chỉ riêng Vinashin đang trong quá trình tái cấu trúc đã có tổng công nợ khoảng 4 tỷ USD. Và mức công nợ này tương đương với tổng lợi nhuận sau thuế của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong ba năm gần đây (2008-2010) và chiếm khoảng 4% của dư nợ của toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Dĩ nhiên để tính dư nợ của Vinashin cần phải loại bỏ khoản trái phiếu quốc tế hơn 1,35 tỷ USD và các khoản nợ thương mại.

Theo chúng tôi, nếu áp dụng đúng chuẩn mực quốc tế trong việc ghi nhận Nợ dưới chuẩn NPL, thì tỷ lệ thực của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay là một ẩn số lớn.

Chúng ta phải đặt câu hỏi là nếu tỷ lệ nợ NPL chỉ có 3,1% thì làm gì có khủng hoảng và làm sao mà phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng?.

Nhìn sang sang Trung Quốc một nền kinh tế được coi là vững vàng nhất thế giới, ngân hàng Credit Suisse vào ngày 12/10/2011 đã nâng dự báo tỷ lệ nợ dưới chuẩn và không hiệu quả (NPL) của hệ thống ngân hàng hơn gấp đôi từ 5% lên 12% trong “vài năm tới” và số nợ NPL sẽ chiếm khoảng 65-100% vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Tức là nếu hệ thống ngân hàng Trung Quốc không được tái cấu trúc về vốn hay tăng vốn, thì các ngân hàng sẽ mất gần hết vốn tự có trong một vài năm tới. Tại châu Âu, tỷ lệ tổng nợ NPL tại Cộng hòa Ailen là EUR 109 tỷ chiếm 20% tổng dư nợ. Tại Tây Ban Nha, các ngân hàng đã hạch toán lỗ từ nợ NPL lên đến tới 9% GDP.

Thứ hai, mặc dù nhiều ngân hàng của Việt Nam đã đạt mức tỷ lệ đảm bảo vốn tự có tối thiểu (Capital Adequacy Ratio – “CAR”) trên 8% nhưng trên bình diện chung, tỷ lệ CAR này cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng và nhóm ngân hàng. Quan trọng hơn, tỷ lệ này sẽ bị sụt giảm rất nhanh nếu như hạch toán đúng dự phòng cho các khoản nợ NPL. Lý do là chất lượng tài sản suy giảm làm cho chi phí dự phòng gia tăng, làm ăn mòn lợi nhuận lũy kế và từ đó giảm vốn tự có. Theo số liệu của StoxPlus, vốn chủ sở hữu của 43 ngân hành thương mại (không tính ngân hàng phát triển và 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) là 276 ngàn tỷ đồng (khoảng 14 tỷ USD) vào thời điểm 30/12/2010.

Để thử sức đề kháng (stress test) của các ngân hàng, giả sử nếu như NPL của hệ thống tăng thêm 10% (từ mức 3,1% theo số liệu của NHNN tại 30/6/2011 lên 13,1%) và giả sử phải lập dự phòng đầy đủ (100% cho tất cả nợ nhóm 2 đến nhóm 5) thì mức chi phí sẽ tăng thêm khoảng 10 tỷ USD. Khi đó, vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ còn 4 tỷ USD. Và do đó, việc rà soát cụ thể và chính sác khả năng mất vốn của hệ thống ngân hàng theo chúng tôi là cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta chỉ có thể biết được tình hình tài chính và vốn thực tế của các ngân hàng sau khi thực hiện xong công tác rà soát này.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề thanh khoản, các diễn biến về cuộc đua lãi suất gần đây của các ngân hàng đã cho thấy những khó khăn về thanh khoản của hệ thống và nó đã phản ánh vào mức lãi suất qua đêm lên đến hơn 20% trong đầu tháng 10/2011. Theo biểu đồ đường cong lãi suất dưới đây, các ngân hàng đã sẵn sàng trả lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài dạn và các ngân hàng phải huy động vốn bằng mọi giá để giải tỏa tạm thời vấn đề căng thẳng về luồng tiền.

Vấn đề thanh khoản của hệ thống còn thể hiện ở việc nhiều cán bộ tín dụng tại nhiều ngân hàng cũng được giao nhiệm vụ đi tiếp thị trực tiếp khách hàng để huy động vốn tiết kiệm. Rất hiếm như ở Việt Nam, người gửi tiết kiệm lại được “mặc cả” với ngân hàng về lãi suất.

Trên thị trường quốc tế, khi Lehman Brothers phá sản vào thời điểm tháng 10/2008, thị trường tiền tệ hoảng loạn các ngân hàng không còn tin tưởng nhau nữa và dừng cho vay lẫn nhau hoặc đòi lãi cao, lãi suất LIBOR qua đêm đã tăng lên đến 8% trong khi đó lãi suất LIBOR kỳ hạn 6 tháng chỉ có 3%.

Đích ngắm không chỉ ngân hàng nhỏ

Nhiều đánh giá trên các phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta cho rằng số ngân hàng tại Việt Nam đã quá nhiều so với quy mô của nền kinh tế và một phần của tái cấu trúc là hợp nhất các ngân hàng nhỏ. Việc hợp nhất các ngân hàng nhỏ là cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh và tăng hiệu quả hoạt động.

Nhưng theo tác giả thì mục tiêu quan trọng nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay để tái cơ cấu thành công thì cần phải xử lý được ba vấn đề chính là 1) tình hình nợ xấu nổ chậm, 2) tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp và 3) thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Và như thế không phân biệt bất cứ ngân hàng lớn hay ngân hàng nhỏ, mà cái chính là phụ thuộc vào việc đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề này ở từng ngân hàng.

Việc xét đến số lượng ngân hàng nhiều hay ít là một đề tài khác về chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng phục vụ cộng đồng và phụ thuộc vào chiến lược của mỗi ngân hàng.

Thực tế theo quan sát của chúng tôi có nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ tại Việt Nam như Liên Việt Bank hoạt động vẫn tốt và hiệu quả. Nhìn rộng hơn, một số quốc gia duy trì hệ thống ngân hàng lớn như Đài Loan có gần 100 ngân hàng nhưng họ chỉ có 20 triệu dân, Indonesia có 121 ngân hàng,  hoặc nước Mỹ có tới 6.413 ngân hàng nhưng phần lớn là ngân hàng địa phương phục vụ một cộng đồng, một bang nhất định. Còn lại các ngân hàng lớn tập trung và phân định rõ hoạt động cốt lõi là ngân hàng đầu tư hoặc ngân hàng bán lẻ.

(Còn tiếp)
_______________________

(*) Tác giả:
1. Harry Hoàn Trần: Ông là Chủ tịch StoxPlus Corporation và tham gia cố vấn về quản lý rủi ro cho ngân hàng Lloyds Bank tại London. Ông có 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Anh, Thụy Sỹ, Úc và Nhật Bản. Năm 2001, ông tham gia thực hiện dự án tái cấu trúc Ngân hàng Công thương Việt Nam do WB tài trợ.

2. Thuân Nguyễn: Ông là sáng lập viên và Tổng giám đốc StoxPlus Corporation với 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, tư vấn tài chính và quản lý đầu tư tại Úc và Việt Nam.