Đây là nhận xét về hướng đi của nền kinh tế Việt Nam hiện tại và trong tương lai trong Báo cáo kinh tế thường niên 2013 của nhóm soạn thảo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thất bại về chính sách
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 mang tên “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” cho rằng, những vấn đề trọng tâm của chính sách năm 2012 chưa đạt như kỳ vọng, có thể nói, đây là năm không thành công về thực thi những ý tưởng chính sách đã đề ra trong năm 2011 và trước đó. Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hầu như không đạt được bước tiến nào đáng kể.
Các đề án quan trọng như tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, xử lý nợ xấu đã không được thông qua. Các biện pháp tài khóa chưa đạt được hiệu quả vì do dự trong quyết định chính sách. Điều này làm mất đi cơ hội quý báu và năm 2013 đang phải trả giá. Có lẽ hết 2013 kinh tế vẫn chưa đạt được những hiệu quả tích cực.
Sức mua thấp khiến hàng hóa tồn kho nhiều, DN hết sức khó khăn |
Lạm phát tương đối thấp, nhưng nguy cơ về giảm phát đang hiển hiện. Toàn bộ nền kinh tế đang ở trạng thái suy kiệt, khi cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân tiếp tục bị thu hẹp. Trên thị trường các điểm nghẽn như nợ xấu, hàng tồn kho chưa được khai thông, khu vực bất động sản đông cứng và suy giảm, môi trường kinh doanh suy yếu buộc hàng vạn DN rời bỏ thị trường, cuốn đi thành quả của nhiều năm cải cách.
Các giải pháp chính sách không đủ mạnh, môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả làm biến dạng mục tiêu mong muốn là những nhân tố cản trở sự hồi phục, vì vậy tăng trưởng GDP khó đạt mức đề ra 5,5% mà sẽ thấp hơn.
Các vấn đề dễ xảy ra, đó là lãi suất thực âm do ngân hàng dư thừa vốn không cho vay được khiến cho lãi suất huy động hạ và thấp hơn lạm phát làm cho người gửi tiền gặp khó khăn, trong khi các kênh đầu tư khác không hiệu quả và tác động lên tỷ giá ngoại tệ.
Nhiều chương trình cải cách được đặt ra nhưng thời gian cứ trôi và có nhiều lý do để ngày càng hoài nghi về khả năng đất nước có thể thực hiện những ý tưởng cải cách cấp bách đã đặt ra.
Có thể nói cho đến nay chúng ta vẫn chưa đưa ra mục tiêu thực sự về kinh tế Việt Nam, cái gì là chủ đạo, hình dung về tương lai không rõ ràng, dẫn đến các kế hoạch cũng không rõ ràng và phương pháp thực hiện không hiệu quả.
Những lo ngại
Sự phát triển của Trung Quốc đang đòi hỏi một nguồn lực đầu vào khổng lồ mà riêng Trung Quốc không thể cung cấp được. Do vậy đang tạo ra nhu cầu lớn về nguyên liệu, nhiên liệu. Điều này gián tiếp làm thay đổi khuynh hướng sản xuất của nhiều nước, khiến một số nước bị hấp dẫn bởi xuất khẩu tài nguyên, hàng hóa thô, sơ chế sang Trung Quốc. Nguồn lực sẽ bị rút khỏi khu vực sản xuất công nghiệp khiến đất nước mất dần khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Các quốc gia giàu tài nguyên sẽ bị phân ly khỏi quỹ đạo công nghiệp hóa truyền thống và dần lệ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. Sự gần gũi về địa lý, giàu tài nguyên và trình độ sản xuất thấp hơn có thể khiến Việt Nam dần bị hút vào vòng xoáy này.
Ngoài ra, xuất siêu tăng mạnh là một nỗi lo mới, do cơ cấu xuất khẩu không đổi, chủ yếu là nhóm có giá trị thấp, dính vào nấc thang công nghệ thấp. Trong khi đó lại không có khả năng thoát bẫy công nghệ vì tốc độ bứt phá của nền kinh tế thấp.
Theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, cần phải xem xét nhiều vấn đề cho tương lai, nếu không khi giải quyết nợ xấu, tiền tệ xong quay lại thì công nghiệp Việt Nam chẳng còn gì. Các lĩnh vực sản xuất như chế biến thức ăn gia súc, hóa mỹ phẩm… đang bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI) thôn tính, nguy cơ bị xóa sổ trên bản đồ công nghiệp Việt Nam.
Phá băng tín dụng, làm cách nào là điều rất đáng xem xét. Tại Mỹ phải mất 5 năm và tốn kém nhiều tiền của, tại Nhật mất 15 năm với lãi suất 0%, còn Việt Nam quan niệm hết sức ngây thơ, chỉ cần hạ lãi suất là có thể phá băng tín dụng, mang đến những sai lầm trong cách thức giải quyết vấn đề.
Theo ông Nghĩa, Việt Nam gia nhập WTO, lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn, có thể thấy đó là hiệu quả của sự “phởn phơ”. Thấy FDI vào nhiều, giàu lên quá dễ nên phởn phơ trong xây dựng, ban hành chính sách; tất cả mục tiêu đề ra nằm trên hội chứng phởn phơ. Đây là kiểu tư duy trưởng giả, mới nổi, ảo tưởng đang gây ra rất nhiều tác hại.
Cuối cùng, báo cáo viết: Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại mô hình kinh tế và sớm định hướng một mô hình mới. Nếu tiếp tục né tránh nhận thức một cách dứt khoát và rõ ràng về mô hình mới cho phát triển kinh tế cùng những thể chế hỗ trợ phù hợp, thì cuộc cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự và sẽ bỏ lỡ cơ hội đi tới tương lai trên con đường bằng phẳng.