Trang chủ » Tranh luận » Thoải mái mở thẻ tín dụng: Khách phá sản, NH ôm nợ

Thoải mái mở thẻ tín dụng: Khách phá sản, NH ôm nợ

Tác giả:

Một người 3 bốn thẻ tín dụng

Mặc dù không có nhu cầu chi tiêu nhiều nhưng anh Nguyễn Minh Khanh (nhân viên kinh doanh của một công ty BĐS ở Hà Đông, Hà Nội) sở hữu tới 3 thẻ tín dụng khác nhau của ngân hàng với hạn mức chi tiêu lên tới hàng trăm triệu đồng. Với mức thu nhập vào hàng “khủng” từ kinh doanh BĐS, cách đây mấy năm anh Khanh được nhiều NH săn đón, ưu ái trong việc mở thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, hiện nay, anh đang thất nghiệp ở nhà, thu nhập cũng không ổn định chính vì thế không có đủ tài chính để chi tiêu thẻ. “Mặc dù mình đã có ba thẻ tín dụng nhưng vẫn luôn nhận được lời mời mở thẻ của không ít NH”, anh cho hay.

Việc cấp thẻ tín dụng không nhất thiết phải căn cứ vào việc khách hàng đã có bao nhiêu thẻ. Chị Nguyễn Thanh Nga (nhân viên marketing một bệnh viện tư nhân của Hà Nội) cũng đồng sở hữu tới 3 thẻ tín dụng. Chị Nga cho hay, mặc dù chị đã thông báo với nhân viên tư vấn của NH rằng chị đã có tới 2-3 thẻ tín dụng nhưng vẫn nhận được câu trả lời “không vấn đề gì, chỉ cần chị chứng minh được thu nhập”.

Chị Nga cho hay, các NH chỉ cần khách hàng có bảng sao kê thu nhập hàng tháng (thanh toán qua NH) cùng với các giấy tờ pháp lý khác (CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động,…) là có thể mở thẻ tín dụng. Thủ tục rất đơn giản, thậm chí có NH tới tận nơi để làm mọi thủ tục cho chị.

Đại diện một NH thừa nhận, mỗi khách hàng có thể sở hữu nhiều loại thẻ khác nhau tại cùng một NH và ở các NH khác. Khách hàng chỉ cần nộp hồ sơ gồm bản photo hợp đồng lao động, CMND, sổ hộ khẩu, sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất là được cấp thẻ sau 5-7 ngày với hạn mức tùy theo thu nhập hằng tháng.

Nguy cơ nợ xấu

Tín dụng cá nhân có thể xem là một trong những biểu hiện tích cực của bộ mặt kinh tế. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại nợ xấu từ thẻ tín dụng sẽ gia tăng một khi nền kinh tế có dấu hiệu ngày một sa sút như hiện nay. Phí cao, lãi cao nhưng rủi ro từ cho vay qua thẻ cũng rất lớn vì đây là loại hình cho vay tín chấp.

Riêng tại TP.HCM, có khoảng 20 triệu thẻ được phát hành có nghĩa mỗi người dân thành phố đang sở hữu từ 2-3 loại thẻ. Nợ xấu từ thẻ tín dụng hiện nay chỉ chiếm 1% tổng nợ xấu, nhưng tốc độ gia tăng nhanh chóng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khi doanh nghiệp đóng cửa, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng tức thì. Vì vậy nếu họ đang có tín dụng tại NH thì họ sẽ mất khả năng trả nợ, nguy cơ nợ xấu là hiện hữu.

Đồng quan điểm, đại diện một ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng khách hàng mất việc làm hoặc thu nhập giảm nhưng ngân hàng không xác minh lại khi tái cấp thẻ cũng là nguy cơ gây nợ xấu rất lớn.

Nhiều sản phẩm thẻ được đưa ra với hạn mức từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, có khi đến cả tỷ đồng thậm chí không giới hạn thời hạn thanh toán. Nhưng do cuộc chạy đua trong phát hành thẻ, đã có không ít điều khoản ràng buộc về khả năng tài chính của khách hàng trước đó bị xem nhẹ.

Nhiều khách hàng rút tiền từ tài khoản thẻ tín dụng để trả lương cho nhân viên, trả lãi cho NH dù mức phí rút tiền mặt lên tới 6-7%/năm. Khi khách hàng “nhắm mắt” vay bằng mọi giá thì chắc chắn khả năng thu hồi vốn sẽ khó khăn, nợ xấu khó xử lý vì không có tài sản thế chấp.

TS Lê Đình Vinh phân tích, thực tế này giống như việc chúng ta có một BĐS mà có thể mang thế chấp tại nhiều NH và vay được nhiều tiền tại nhiều NH khác nhau. Điều này là rất rủi ro về phía NH vì khách hàng dễ mất thanh khoản khi cùng có dư nợ tại nhiều NH.

Ông Trương Thanh Đức (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) nhận định, thông thường NH sẽ cắt hoặc giảm hạn mức trong các trường hợp như vậy. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ không nắm bắt được thông tin kịp thời, mặc dù thường thì NH hay có các thoả thuận với cơ quan, trong đó đề nghị cơ quan và trong hợp đồng thường yêu cầu người mở thẻ phải thông phải khi có sự thay đổi như vậy.

“Nếu không có hoặc có nhưng tài sản bảo đảm không chắc chắn, thì khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn, mặc dù thường chỉ là các khoản nợ không lớn”, ông Đức cho hay.

Ngoài việc gia tăng tình trạng nợ xấu thì nguy cơ rủi ro còn có thể đến từ những tội phạm công nghệ cao khi mà số lượng thẻ phát hành quá nhiều khó kiểm soát.

Các ngân hàng đang phải trả giá cho việc chạy theo chỉ tiêu phát hành thẻ trước đó. Họ đang dần siết lại điều kiện cho người mở thẻ nhằm ngăn ngừa nợ xấu gia tăng, siết chặt quản lý thẻ không phải chuyện riêng của ngân hàng nào.