Để thu hút tiền thuế nộp về địa phương mình, các tỉnh thành ở Nhật Bản ra sức “hối lộ” người dân bằng những món quà đắt tiền, vì thế số tiền đóng góp các địa phương nhận được còn lại chẳng là bao. Điều này dẫn đến lãng phí toàn xã hội.
Doanh nghiệp ‘thấm’ khổ, Tổng cục Thuế cũng lúng túng
Mỗi người dân Nhật Bản ngoài chịu thuế thu nhập cá nhân còn phải đóng một khoản thuế cho địa phương họ sinh sống, khoản thuế này được gọi là thuế cư trú. Tiền nộp thuế sẽ được chính quyền sở tại đem đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng, y tế, giáo dục,…
Giống như ở Việt Nam, thuế thu nhập cá nhân tại Nhật sẽ có nhiều mức áp dụng, tùy theo điều kiện mà người nộp thuế sẽ phải nộp từ 5% tới 40% tổng thu nhập. Còn thuế cư trú sẽ được áp dụng một mức chung là 10%.
Hokkaido “lại quả” người đóng góp bằng cua biển Ảnh: The Japan times |
Do mật độ dân số Nhật Bản phân bố không đồng đều, người dân chủ yếu sống ở các thành phố lớn dẫn đến tiền thuế thu được giữa khu vực thành thị và nông thôn chênh lệch nhau rất nhiều. Ngân sách địa phương càng ít, càng nghèo thì lại có thêm người bỏ ra thành phố sinh sống tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Để giải quyết tình trạng này, năm 2008 chính phủ Nhật Bản đã ban hành một chính sách với tên gọi là “đóng thuế cho quê hương”, trong tiếng Nhật là Furusato nōzei. Người nộp thuế có quyền quyết định tiền thuế của mình sẽ được đóng góp cho địa phương nào mà họ chọn, thay vì thành phố đang sống. Một thanh niên sống và làm việc ở Tokyo có thể gửi 10 nghìn Yên về xây dựng quê nhà tại tỉnh Ehime. 10 nghìn Yên này sẽ được khấu trừ trực tiếp vào tiền thuế phải đóng năm sau của anh ta.
Chính sách này được người dân nhiệt liệt hoan nghênh. Trong năm tài khóa 2017 tổng số tiền người dân Nhật Bản đóng góp cho các địa phương cả nước lên tới 365 tỷ Yên, gấp 45 lần so với năm đầu tiên áp dụng.
Tuy nhiên, kể từ khi có Furusato nōzei, giữa các địa phương cũng nổ ra cuộc chiến thu hút tiền thuế. Ban đầu chỉ là gửi một món quà nhỏ tri ân tới những người gửi tiền đóng góp, giờ hiện tượng này đã biến tướng thành chuyện “lại quả” giữa địa phương nhận tiền và người nộp thuế.
Một chương trình kêu gọi đưa Furusato nōzei về mục đích ban đầu. Ảnh: The Japan Times |
Ví dụ, đóng góp 10 nghìn Yên cho Izumisano, tỉnh Osaka sẽ được nhận quà là một thùng bia Yona Yona 24 lon, đặc sản của địa phương. Giá bán của thùng bia này trong siêu thị lên tới gần 6 nghìn Yên.
Đóng góp 10 nghìn Yên cho Tara, tỉnh Saga, sẽ được nhận 5 cân quýt ngọt trị giá 2,5 nghìn Yên. Những ai không thích ăn quýt thì có thể đóng góp cho tỉnh Kanagawa để nhận được một suất thịt bò thượng hạng,…
Các món quà tri ân rất đa dạng và giá trị có thể lên tới 50% số tiền người nộp thuế đóng góp.
Đầu tiên, chính phủ Nhật còn khuyến khích điều này vì tưởng rằng các món quà là đặc sản sẽ giúp quảng bá thương hiệu địa phương, khiến nền kinh tế phát triển đồng đều. Nhưng không phải địa phương nào cũng có đặc sản nổi tiếng hoặc không phải ai cũng thích nhận quà là đồ ăn. Do vậy, một số tỉnh thành đã tìm cách lách luật bằng cách tặng phiếu nghỉ mát hoặc đồ điện tử để người đóng góp dễ bán lại lấy tiền.
Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản đã thông báo quy định mới về việc không được tặng quà quá 30% giá trị và quà tặng phải có nguồn gốc địa phương sản xuất. Thế nhưng, cũng có địa phương không chịu chấp hành.
Các tỉnh thành còn lập sẵn website để nhận tiền đóng góp và cho khách hàng lựa chọn quà tặng theo ý muốn.
Và câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc tặng quà không phù hợp. Hậu quả đằng sau nó mới ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội.
Thành phố Izumisano nhận vơ dưa Shizuoka thành đặc sản của mình. Ảnh: Momobud |
Kể từ khi có chương trình “đóng thuế cho quê hương”, các thành phố lớn như Tokyo đã mất đi một khoản lớn thuế cư trú hàng năm. Một báo cáo dự tính Tokyo sẽ mất khoảng 64,5 tỷ Yên vì chính sách “thuế quê hương” trong năm tài khóa 2018, tỉnh chịu thiệt hại thứ hai là Kanagawa với mức thất thoát 25,7 tỷ Yên. Trong khi đó, hệ thống dịch vụ công cộng tại hai nơi này cũng đang quá tải và thiếu hụt, cần phải đầu tư sửa chữa rất nhiều.
Mục đích ban đầu là phân bổ nguồn thu giữa các địa phương cũng không thực hiện được. Nơi nhận được nhiều tiền đóng góp nhất năm ngoái là thành phố Izumisano, tỉnh Osaka. Thành phố này đã ăn gian bằng cách tặng quà là đặc sản của địa phương khác, ví dụ như dưa lưới của tỉnh Shizuoka, hay cá ngừ từ chợ Tsukiji, Tokyo. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Tờ báo Nhật bản Tokyo Shimbun, trong một bài xã luận, chỉ ra rằng, “thuế đóng góp cho quê hương” chỉ làm cho người nghèo khổ hơn mà thôi. Với mức thuế cư trú 10% trên tổng thu nhập, đáng lẽ ra người giàu phải nộp số tiền lớn hơn người nghèo rất nhiều. Nhưng họ đã sử dụng Furusato nōzei như một kẽ hở để lách luật, người giàu đóng góp 10% thu nhập của họ cho một địa phương nào đó và nhận “lại quả” lớn, còn số tiền thuế cư trú phải đóng thì đã được khấu trừ hoàn toàn.
Tại Nhật đã ghi nhận trường hợp tặng quà tri ân là cả một cây đàn piano đắt tiền sau khi đóng góp hơn 8 triệu Yên.
Số tiền đóng góp các địa phương nhận được còn lại cũng chẳng là bao vì phải dành để mua quà tri ân. Điều này dẫn đến lãng phí toàn xã hội.
Hoàng Hiệp
Tín hiệu cuộc sắp xếp lớn của ngành thuế
Sau khi “lệnh” cắt giảm 50% chi cục thuế được Bộ Tài chính phát đi, Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn tổ chức bộ máy chi cục thuế khu vực.
Cán bộ thuế thêm quyền khởi tố, điều tra: Tránh phiền hà cho DN chân chính
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Một quy định mới: Hàng ngàn cửa hàng phải nộp thêm thuế
Nhiều hộ kinh doanh có doanh thu vài trăm tỷ đồng trở lên. Cho nên, Bộ Tài chính đề xuất hộ kinh doanh được nộp thuế khoán chỉ là những hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ.