Trước một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa có tiền lệ, có những dự báo cho rằng, châu Á sẽ chiến thắng trong cuộc chiến sáng tạo. Đây là một cơ hội đặc biệt cho nhiều nước, và là một trong những lý do khiến người đứng đầu nước Mỹ Donald Trump lo lắng.
Bùng nổ sáng tạo, doanh nghiệp tỷ USD
Tại Diễn đàn mở về khởi nghiệp và sáng tạo: “ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người”, Giáo sư Klaus Schwab – người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hoàn toàn khác biệt về tầm vóc, quy mô lẫn độ phức tạp so với bất kỳ cuộc cách mạng nào trước đây.
Với đặc trưng là một loạt công nghệ mới hòa trộn thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học, những bước phát triển của CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng đến mọi quy tắc, mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề và chính phủ. CMCN 4.0 đang làm thay đổi các quốc gia trên thế giới. Mỗi người có thể thành 1 Google trong tương lai, nó mang đến cơ hội đặc biệt độc đáo cho mọi người.
Trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà CMCN 4.0 đem lại.
Giáo sư Klaus Schwab. |
Ông Lê Hồng Minh CEO VNG là diễn giả Việt Nam duy nhất trong diễn đàn cho biết 20 năm tới thế giới sẽ thay đổi rất nhiều, các bạn sinh viên có thể xây dựng được công ty tỷ USD ở Việt Nam hoặc châu Á. Thách thức phải đối mặt hiện nay là phải liên tục học tập để tìm cái mới, thúc đẩy sự sáng tạo. Hiện tại cả thế giới trở thành trung tâm sáng tạo.
Ông Lê Hồng Minh là người xây dựng nên VNG (trước là VinaGame) với những những sản phẩm gây được tiếng vang trong nước và khu vực như Zalo, Zing, Zing Me, trong đó Zalo có hơn 70 triệu người dùng.
Đông Nam Á gần đây được xem là có thể trở thành thung lũng Silicon thứ 2 trên thế giới với nền kinh tế Internet đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017, và dự báo sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Tốc độ phát triển dữ dội của cuộc CMCN 4.0 tại khu vực có thể được thấy qua đất nước Myanmar. Một đất nước mà mới chỉ vài năm trước đây vẫn còn bị cô lập và đóng cửa với thế giới, gần như không có điện thoại thông minh và hệ thống ngân hàng.
Nhưng giờ đây, Myanmar có 90% dân số tiếp cận internet. Người dân tại đất nước thuần nông này giờ đây thậm chí không cần đến tài khoản ngân hàng, thay vào đó là các dịch vụ tài chính tích hợp ngay trên điện thoại.
Chỉ trong vòng chưa 2 năm, một công ty fintech có tên Wave Money tại Myanmar đã có hàng triệu khách hàng, liên kết với các số điện thoại di động và thực hiện chuyển tiền, gửi tiền hoặc rút tiền ở 20 ngàn đại lý phủ sóng khắp cả nước.
Indonesia của tổng thống Joko Widodo đã trở thành quốc gia GDP ngàn tỷ USD nhưng cũng đang rất kỳ vọng vào cơ hội đến từ cuộc CMCN 4.0. Indonesia đặt mục tiêu trở lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 với trọng tâm đến từ kế hoạch “Making Indonesia 4.0”. Thái Lan trong khi đó thành công với CMCN 3.0 giờ đây tập trung vào cuộc CMCN 4.0 với định hướng hướng tới một nền công nghiệp sử dụng công nghệ và sự sáng tạo để đột phá.
Cơ hội chưa từng có nhưng thách thức sống còn
Tại Trung Quốc, sự lớn mạnh của Ant Financial (1 công ty con của Alibaba) và việc trở thành công ty công nghệ tài chính lớn nhất thế giới cũng là một minh chứng về cơ hội lịch sử của cuộc CMCN 4.0. Trên thế giới dường như chưa có một công ty nào phát triển với 1 tốc độ nhanh như vậy. Với tuổi đời chỉ vài năm nhưng startup của Jack Ma có hoạt động rộng khắp trên các lĩnh vực thanh toán trực tuyến, bảo hiểm, cho vay, chấm điểm tín dụng, quản lý tài sản…, với gần 900 triệu khách hàng nhờ các ứng dụng di động thông minh.
Theo giáo sư Klaus Schwab, những sáng tạo lớn về công nghệ sắp thổi bùng những thay đổi lớn lao trên khắp thế giới. Tốc độ của những sáng kiến từ cả khía cạnh phát triển lẫn lan tỏa đều nhanh chưa từng thấy.
Những nhân tố đột phá hiện nay như AirBnB, Uber, Alibaba… và những công ty tương tự giờ đã trở thành những cái tên cửa miệng mà mới chỉ mấy năm trước đó còn ít người biết đến. Chiếc iPhone mà ngày nay đi đâu cũng gặp mới chỉ ra đời năm 2007 nhưng cũng đã kịp giúp Apple trở thành công tỷ ngàn tỷ USD đầu tiên trên thế giới hôm 2/8 vừa qua.
Cũng theo ông Klaus Schwab, một thực tế trong kỷ nguyên số là nhiều doanh nghiệp mới cung cấp “hàng hóa thông tin” với chi p hí lưu trữ, vận chuyển và nhân bản gần như bằng không. Để thành công, một số công ty công nghệ đột phá gần như không cần vốn, như trường hợp Instagram hay WhatsApp không cần nhiều tiền để khởi nghiệp.
Tất cả những ví dụ thành công nói trên cho thấy cuộc CMCN 4.0 về công nghệ và số hóa là hiện hữu và nó sẽ biến câu khẩu ngữ hay bị lạm dụng và thường không chính xác “lần này mọi chuyện sẽ khác” thành ra phù hợp.
Tốc độ thay đổi là rất lớn và đây là một cơ hội đặc biệt cho nhiều nước, cả nước lớn cũng như nước nhỏ, cho bất cứ dân tộc hay công dân nào, đúng với ý nghĩa: Mỗi người có thể thành 1 Google trong tương lai.
Một số dự báo thậm chí còn cho rằng, châu Á trong đó có ASEAN sẽ chiến thắng trong cuộc chiến sáng tạo.
Như trường hợp Trung Quốc, nước này đã phát triển bùng nổ trong thập kỷ qua, với công nghệ cũng thay đổi chóng mặt để bắt kịp với các nước phát triển. Trong đó, với mảng hạ tầng vật lý cho CMCN 4.0, Trung Quốc thậm chí còn đang đi trước ở một số khía cạnh như hạ tầng băng thông tốc độ cao 5G.
Kế hoạch siêu tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc với mục tiêu xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược vốn là độc quyền của các công ty phương Tây đã trở thành mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ. Đó chính là nguồn cơn khiến ông Trump cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.
Cơ hội với tất cả các nước là rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ. Đó là sự bất bình đẳng và sự bất công gia tăng. Đối tượng thụ hưởng lớn nhất của CMCN 4.0 là những nhà cung cấp vốn trí tuệ hoặc vật chất. Đó là các nhà sáng tạo, nhà đầu tư và các cổ đông.
Cuộc CMCN 4.0 có thể khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Đây là một cuộc chơi được mất, các quốc gia thắng cuộc sẽ áp đảo và do vậy để tránh bị tụt hậu các quốc gia đều phải thay đổi để phát triển.
Ở một số nước, trong đó bao gồm cả Việt Nam còn thiếu trầm trọng hạ tầng số cũng như hạ tầng vật lý. Sự hạn chế trong chia sẻ dữ liệu cũng như sự thiếu vắng của các hành lang pháp lý phù hợp cũng là vấn đề khó có thể giải quyết nhanh chóng.
M. Hà
Cách mạng công nghiệp 4.0 định nghĩa lại chúng ta là ai
Chủ tịch điều hành WEF khẳng định, CMCN 4.0 không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai.
WEF ASEAN: Nắm bắt cơ hội, quản lý thách thức từ Cách mạng 4.0
Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ đồng tổ chức hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 từ 11-13/9.
Phát huy tinh thần DN trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Bộ Ngoại giao hôm nay chủ trì tổ chức hội thảo “ASEAN 4.0: Phát huy tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.