Trang chủ » Kinh tế 24h » Hàng siêu thị bắt đầu biến động

Hàng siêu thị bắt đầu biến động

Tác giả:

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thông báo, một số siêu thị ở phía Bắc đang chuẩn bị công bố tăng giá nhiều loại sản phẩm trong hệ thống của mình.

“Tại phía Nam, khoảng 300 mặt hàng trong các siêu thị tập trung vào các nhóm hàng bánh kẹo, dầu ăn, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc… đã tăng giá bán từ 3% đến 12%. Theo quy luật, các siêu thị ở miền Bắc cũng sẽ tăng giá bán các loại hàng hóa, nhưng trễ hơn”, ông Phú cho biết.

Theo lãnh đạo Hội Siêu thị Hà Nội, 70% hàng hóa được bán trong các siêu thị ở miền Bắc do các nhà sản xuất phía Nam cung cấp, nên mức tăng giá của các siêu thị phía Bắc có thể còn lớn hơn nhiều so với mức tăng ở phía Nam, do còn phải chịu tác động của chi phí vận chuyển.

Lãnh đạo Hội Siêu thị Hà Nội nêu ví dụ, tôm sú loại 35 con/kg tại miền Nam chỉ bán với giá 125.000 đồng thì ở Hà Nội được bán với giá 240.000 đồng/kg (cao gấp gần 2 lần). Hoặc bưởi Năm Roi chính vụ ở miền Nam được bán 10.000 đồng/kg thì ở Hà Nội giá cao gấp 4 lần.

“Sự chênh lệch giá rất lớn này gây thiệt cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất, chủ yếu xuất phát từ khâu lưu thông hàng hóa. Điều này cho thấy khâu này đang có vấn đề. Theo quy luật, vào quý IV hàng năm, nhiều loại hàng hóa, nhất là nhóm thực phẩm và đồ gia dụng sẽ tăng giá.

Năm nay cũng sẽ không nằm ngoài quy luật nói trên và việc các siêu thị tăng giá bán do áp lực của các nhà sản xuất tăng giá cũng là điều dễ hiểu. Dù giá có thể không cao đột biến, song vẫn khiến cho người tiêu dùng khó khăn hơn”, ông Phú nhận định.

Trên thực tế, mức tăng giá nhiều loại thực phẩm trên thị trường trong thời gian qua là khá lớn. Theo thống kê của Hội Siêu thị Hà Nội, trong 3 năm qua, nhiều loại thực phẩm, phục vụ trực tiếp đời sống của người dân đã tăng giá từ 1,5 đến 2 lần. Đơn cử, năm 2007, đường có giá bán 11.000 đồng/kg thì năm 2010 là 21.500 đồng/kg.

“Giá cả sẽ tăng dần dần. Đây là dấu hiệu rất đáng lo, ảnh hưởng tới thu nhập thực tế của người dân. Nếu không có giải pháp căn cơ xử lý vấn đề này, thì năm nào chúng ta cũng lại phải tiếp tục đưa ra dự đoán về sự tăng giá của hàng hóa tiêu dùng vào những dịp cuối năm”,  ông Phú nhận xét.

Theo Tổng cục Thống kê, “đóng góp” đáng kể cho sự tăng lên của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua, là nhóm hàng lương thực. Trong tháng 8/2010, chỉ số giá lương thực tăng 0,67% so với tháng 7/2010. Điều này đã tác động tới chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 8 tăng 0,27%.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối, ngoài quy luật những tháng cuối năm CPI có xu hướng tăng cao, nếu như tình trạng dịch bệnh, nhất là dịch lợn tai xanh ở các tỉnh phía Nam, không được kiểm soát chặt và xử lý triệt để, thì giá các loại thực phẩm phục vụ đời sống sẽ tăng.

Từ nay đến cuối năm cũng là mùa mưa bão, thời tiết diễn biến bất thường, nên nguồn lương thực – thực phẩm sẽ chịu tác động mạnh và có thể xảy ra tình trạng khan hiếm.