Trang chủ » Kinh tế 24h » Giãn tiến độ nhập các thiết bị đầu nguồn mạng 4G

Giãn tiến độ nhập các thiết bị đầu nguồn mạng 4G

Tác giả:

Liên quan đến công tác xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm, trong cuộc họp giao ban mới đây của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên bày tỏ: “Việc nhập khẩu thiết bị đầu nguồn 4 G của các nhà mạng đang có vấn đề”.

Trong khi, mạng 3G còn chưa ổn thì cơ quan quản lý đã cấp phép cho kinh doanh mạng 4G. Nếu các biện pháp quản lý làm không tốt thì chắc chắn, các hãng điện thoại sẽ đua nhau nhập thiết bị đầu nguồn 4G, sẽ đẩy nhập siêu tăng cao.”

Ông Biên cho biết, ông đã làm việc sơ bộ với lãnh đạo Bộ TT-TT về vấn đề này. Dự kiến, Bộ TT-TT sẽ làm việc với các nhà mạng, đề nghị rà soát lại nhu cầu thị trường để cân đối với kế hoạch nhập khẩu thiết bị đầu nguồn mạng 4G, trên cơ sở này, yêu cầu giãn tiến độ nhập các thiết bị đầu nguồn 4G lại.

Hồi tháng 4 năm nay, để kiểm soát nhập siêu, Bộ TT-TT cũng đã phải ra văn bản, “nhắc khéo” các nhà mạng cần xem xét lại kế hoạch kinh doanh và nhập khẩu thiết bị đầu cuối 3G để tránh nhập khẩu ồ ạt Iphone 3G.

Mô tả ảnh.
Iphone 4G đang “hot” ở Việt Nam (ảnh: theo Iphone Freakz)

Tính tới tháng 6/2010, các nhà mạng đã nhập khoảng 14.500 chiếc Iphone 3G, trị giá tới khoảng 10 triệu USD, đầu tư thiết bị đầu cuối tới 1 tỷ USD.

Ngay trong tháng 10 này, hai hãng Vinaphone và Viettel đã dự kiến nhập 2.000 chiếc Iphone 4G về Việt Nam. 

Cho đến nay, Iphone đã được Bộ Công Thương “liệt” vào danh mục hàng tiêu dùng cần kiểm soát, hạn chế nhập khẩu. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm tuy tăng chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại. Lý do là bởi vào quí 4, nhu cầu tiêu dùng xã hội, sản xuất thường tăng cao nên cần hết sức cảnh giác, và cần có biện pháp điều hành quyết liệt.

Hiện, nhập siêu đã ở mức 8,57 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. “Thước đo” cho cán cân thương mại này là thấp nhất trong 3 năm qua, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, năm 2011, việc kiềm chế nhập siêu sẽ đặc biệt khó khăn. Một mặt, bộ Tài chính sẽ phải cắt giảm rất nhiều dòng thuế nhập khẩu. Trong cam kết WTO và ASEAN +, nhiều dòng thuế sẽ không thể tăng lên được vì nếu tăng, Việt Nam sẽ bị phạt, hoặc bồi thường. Một mặt, bB Công Thương phải điều hành quản lý làm sao để hạn chế nhập khẩu.

“Nếu không có giải pháp kịp thời ứng phó tình huống này, đến 2011, công tác kiềm chế nhập siêu sẽ rất lúng túng”, ông Biên bày tỏ.

Theo Bộ Công Thương,  tính đến nay, nhóm hàng cần kiểm soát có kim ngạch nhập khẩu là 6,74 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu gồm hàng tiêu dùng, ôtô dưới 9 chỗ và xe máy nguyên chiếc có kim ngạch nhập khẩu đạt 4,24 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2009.