Trang chủ » Kinh tế 24h » Thịt trâu bò thối hoành hành dịp Tết

Thịt trâu bò thối hoành hành dịp Tết

Tác giả:

Liên tiếp phát hiện thịt trâu bò thối

Ngày 8/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Trị đã chặn bắt chiếc xe khách mang BKS 21H – 5516 chở thịt thối. Đây là xe khách của nhà xe Phong Thu, chạy tuyến Yên Bái – TP. Hồ Chí Minh, do Dương Bá Quyền (SN 1958, ngụ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) điều khiển.

Cơ quan chức năng đã phát hiện trên xe có 19 thùng xốp chứa khoảng 1,1 tấn chân trâu, bò đã bốc mùi hôi thối. Số thịt thối trên được giấu dưới gầm của chiếc xe. Lô hàng này không có nguồn gốc và giấy tờ hợp lệ. Lái xe Dương Bá Quyền khai nhận, đây là số hàng do một người khác thuê vận chuyển từ Vĩnh Phúc vào TP. Hồ Chí Minh với giá cước 100.000 đồng/thùng.

Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh trâu bò thối. Những vụ việc này đang dấy lên lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi Tết đang cận kề.

Ngày 4/1, cơ quan chức năng phát hiện tại nhà Nguyễn Duy Tâm (SN 1974, ở phố Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khoảng 30 tấn xương, đuôi và sách bò. Số thực phẩm này đã bốc mùi hôi thối nồng nặc và đang được cất giấu trong các hầm lạnh tại nhà ông Tâm. Chủ nhà cũng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy kiểm dịch, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của số hàng trên. Ông Tâm khai đã mua số hàng trôi nổi trên thị trường tại địa bàn huyện Thanh Oai để mang vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ trong dịp Tết này.

Ngày 30/12/2011, Đội CSGT Rạch Chiếc (TP.HCM) đã phát hiện chiếc xe mang biển kiểm soát 60K9-4957 do ông Nguyễn Văn Ngọc vận chuyển gần 1,5 tạ chân trâu bò, thịt bò không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch. Tổ công tác đã lập hồ sơ tiêu hủy toàn bộ lô hàng này.

Chân bò thối tại số nhà 28, tổ 15, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, tối 28/12/2011, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện một số lượng lớn chân bò thối tại số nhà 28, tổ 15, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Kiểm tra tại địa điểm trên, lực lượng liên ngành phát hiện một xe container chứa 20 tấn chân bò thối. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện trên 3 tấn chân bò thối, đang trong quá trình phân hủy trong hai kho đông lạnh của số nhà trên. Toàn bộ số hàng này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lái xe Lê Văn Đối (quê Ninh Bình) khai nhận đã thu gom số hàng trên để mang vào tỉnh Bình Dương tiêu thụ.

Trưa ngày 21/12/2011, Công an TP. Đà Nẵng phát hiện xe khách mang biển số 74K – 8965 vận chuyển 3 tạ chân, móng trâu không qua kiểm dịch. Số hàng này đều đã bốc mùi hôi thối.

Ngày 19/12/2011, lực lựng chức năng đã phát hiện hàng trăm kilôgam nội tạng, thịt, xương bò được lưu giữ không đảm bảo vệ sinh tại cơ sở chế biến nội tạng bò tại khu phố 9, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Chủ cơ sở này đã không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản cam kết và đề án bảo vệ môi trường theo quy định.

Nỗi lo thịt thối lên bàn ăn

Được biết, các mặt hàng chân trâu, bò, nội tạng được thu mua và tiêu thụ tại các chợ nhỏ, lẻ và các quán ăn, quán nhậu. Có một số người vì lợi nhuận đã nhập những lô thịt “bẩn” mà không quan tâm tới sức khỏe của người tiêu dùng. Để xử lý những sản phẩm động vật bị hỏng và hôi thối, các quán ăn, nhà hàng thường dùng hóa chất tẩy mùi và tẩy trắng, rồi dùng phụ gia, phẩm màu, gia vị nồng độ thật nặng để chế biến thành các món ăn có độ dai, giòn và bắt mắt. Do đó, người tiêu dùng rất khó để nhận ra đó là thực phẩm “bẩn”.

Theo các chuyên gia, với thịt “bẩn” đã tẩm hóa chất đưa vào chế biến trong các nhà hàng, quán ăn, chúng ta chỉ có cách phân biệt là khi ăn, thịt thường có độ dai, giòn một cách bất thường. Khi cắn, miếng thịt sẽ bị đứt ngay; khi nhai vẫn nhận thấy miếng thịt có độ dai, giòn hơn mức bình thường.

Trước tình trạng thực phẩm “bẩn” liên tục được phát hiện trên thị trường, các ngành chức năng ở Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đều đã chỉ đạo lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, dù nhà chức trách đã có nhiều hành động quyết liệt song tình hình vẫn rất khó kiểm soát. Số vụ nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” bị phát hiện vẫn rất nhỏ so với thực tế.

Việc ngăn chặn và kiểm soát thực phẩm “bẩn” nhập lậu qua biên giới rất khó giải quyết. Thực trạng này một phần là do mức xử phạt với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn còn thấp, không đủ sức răn đe.