Trang chủ » Kinh doanh » ‘Nướng’ tiền vào điện máy, 3 ‘ông lớn’ nữa ngắc ngoải

‘Nướng’ tiền vào điện máy, 3 ‘ông lớn’ nữa ngắc ngoải

Tác giả:

Những “đại gia” ném tiền qua cửa sổ

“Nổ phát súng” đầu tiên trên thị trường điện máy là vụ phá sản của WonderBuy vào ngày 13/6/2011 sau một năm hoạt động. Ban lãnh đạo công ty cổ phần Điện máy, máy tính, viễn thông Hợp Nhất, đơn vị sở hữu thương hiệu WonderBuy cho biết siêu thị đã thua lỗ hơn 52 tỷ đồng, trong đó gồm tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa của các nhà cung cấp.

Trước đó 1 năm, siêu thị điện máy WonderBuy khai trương trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, tp Hồ Chí Minh với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, bán hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy và nội thất. Dạo đầu khai trương, Wonderbuy khuyến mãi ầm ĩ, đặc biệt khi ra mắt chương trình bán hàng kiểu Mỹ (hoàn 30% tiền sau 3 năm sử dụng sản phẩm), đã thu hút được sự chú ý lớn của khách hàng.

Với WonderBuy ra đời, lãnh đạo công ty Hợp Nhất mong ước sẽ xây dựng một “đế chế” bán lẻ hàng điện máy lên tới 23 trung tâm tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm để đạt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử lớn và chuyên nghiệp tại Việt Nam sau 5 năm. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm “giấc mơ đã tan thành mây khói”, WonderBuy phải nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 5/201. Sự sụp đổ của WonderBuy cho thấy, “chiến trường” bán lẻ điện máy không hề dễ ăn như người ta tưởng.

{keywords}

Tiếp bước Wonderbuy là Best Carings, đến cuối năm 2012 đã đóng cửa siêu thị cuối cùng và lặng lẽ rời thị trường. Best Carings là chuỗi siêu thị điện máy nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam, là kết quả hợp tác của công ty tiếp thị Bến Thành (Tara) với tập đoàn bán lẻ Best Denki (Nhật) vào năm 2004. Với hệ thống 3 siêu thị tại Hà Nội, TP.HCMh và Cần Thơ, Best Carings, DN này từng lọt vào top 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2008, 2009 và top 10 nhà bản lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009, 2010.

Trong nhiều năm, siêu thị này đã gây “sốt” khi liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi lớn vào các ngày lễ, tết. Đơn vị này tung ra nhiều chương trình bán hàng trả góp không lãi suất hoặc lãi suất thấp dưới 1% khiến không ít các đối thủ cạnh tranh khi đó phải choáng váng.

Tuy nhiên đến năm 2010, Tara quyết định chuyển nhượng Best Carings cho chủ mới, quay lại lĩnh vực phân phối sỉ. Cũng từ đó Best Carings bắt đầu đi xuống, hàng không bán được, các chương trình khuyến mãi “khủng” giảm dần và sức cạnh tranh thua xa những đối thủ khác. Best Carings bắt đầu nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng và lần lượt đóng cửa từng siêu thị một tại Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội và… mất hút.

Đến đầu tháng 9/2013 lại thêm 1tên tuổi lớn nữa phải rời “cuộc chơi”, đó là chuỗi siêu thị điện máy HomeOne (thuộc Công ty CP dịch vụ bán lẻ Tiên Phong). Từ cuối quý II đến đầu tháng 9 này, HomeOne đã lần lượt khai tử cả 3 siêu thị của mình tại đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp; đường Đồng Nai, quận10; trung tâm Vincom A, quận 1 (TP.HCM).

HomeOne, một hệ thống bán lẻ khá lớn trên địa bàn TP.HCM, có số vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh số tiền này đã đội nón ra đi. Đến nay HomeOne đang trong tình cảnh nợ lương nhân viên 3 tháng, nợ tiền thuê mặt bằng hàng tỷ đồng và nợ nhà cung cấp cũng hàng tỷ đồng, các siêu thị bị niêm phong, bị thu hồi mặt bằng.

{keywords}

Cái chết được báo trước?

Nguyên nhân chung khiến 3 “ông lớn” nêu trên phải đội nón ra đi, được các chuyên gia tổng kết lại là do không quản lý được chi phí. Những DN này đều thuê mặt bằng ở những nơi có giá cao, mở những siêu thị hoành tráng, nhưng không đạt được doanh số trên m2 như mong muốn. Chẳng hạn như Wonderbuy thuê tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu – Đinh Tiên Hoàng, có chi phí lên tới 25 USD/m2 được cho là quá cao. Chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị. Tính toán sơ bộ, để có hiệu quả thì doanh số tính trên m² diện tích sàn ở mức 80-100 triệu đồng/tháng, nhưng với các siêu thị này doanh số thu được ngày càng giảm, chỉ đạt là 30 triệu đồng/m²/tháng, vì thế mà kinh doanh không có hiệu quả.

Ngoài ra là thiếu đội ngũ nhân sự lành nghề và kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn, thậm chí kém về năng lực; lãnh đạo hay thay đổi các quyết định. Hơn nữa, với những siêu thị này, hệ thống phần mềm quản lý bán hàng quá kém, vòng quay vốn kéo dài, hàng kho tăng cao, đến giới hạn cuối cùng, không kham nổi, đành phải “bỏ cuộc chơi”.

Các DN nhảy vào cuộc chơi nhưng chưa hình dung hết nghiệp vụ kinh doanh quá nhanh của nhóm sản phẩm điện máy và đặc biệt hơn là đòi hỏi cao về công tác hậu mãi như giao nhận, lắp đặt, bảo trì, bảo hành… cần đầu tư chi phí tốn kém, cũng như kinh nghiệm quản lý. Với mức lãi gộp trung bình 10%, thì chi phí cho hậu mãi là một vấn đề đau đầu.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là kinh doanh chưa đâu vào đâu đã khuyến mãi ầm ĩ, khuyến mãi khủng với giá rẻ, giảm giá mạnh (thậm chí đến 50%). Nhưng phần lớn hàng giảm giá là hàng bị lỗi kỹ thuật, trầy xước, cần thanh lý… từ đó làm mất uy tín thương hiệu.

Kinh tế khó khăn, tiêu dùng suy giảm, cạnh tranh khốc liệt, nếu không xây dựng được nền tảng kinh doanh vững chắc thì thua lỗ, phá sản là điều khó tránh khỏi. Giới kinh doanh cho biết hiện có khoảng 3 “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh điện máy có hệ thống siêu thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang ngắc ngoải với những khoản nợ lớn, bị ngân hàng cảnh báo, nhà cung cấp phong tỏa, nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng, hàng tồn kho chất đống, khách vắng lặng… sắp ra đi trong thời gian tới.