Trang chủ » Kinh tế 24h » Siêu thị chê hoa quả nội

Siêu thị chê hoa quả nội

Tác giả:

Vì chất lượng hay “sính” ngoại?

Anh Thương, một nhân viên ngân hàng, cho hay, trào lưu mua hoa quả ngoại hiện nay không phải là vấn đề “oai” hay không mà khi bỏ tiền ra, ai cũng muốn món hàng của mình phải đáp ứng được hai tiêu chuẩn: ngon và bổ.

“Tức là, việc đầu tiên khi tôi bỏ tiền ra để mua một ký táo thì anh phải đảm bảo 1 kg táo đó có chất lượng đúng với giá trị mà đồng tiền của tôi bỏ ra, nếu anh không đáp ứng được thì tôi sẽ đi nơi khác. Đó là đòi hỏi chính đáng của mọi khách hàng”, anh Thương lý giải.

Phàn nàn về mặt hàng hoa quả nội hiện nay, chị Hoài, nhân viên kế toán, kể rằng: “Tôi cũng muốn đi mua hàng hoa quả Việt lắm nhưng khổ nỗi đi khắp các siêu thi như Big C, Hapro, Fivimart, Greendaymart…  thì siêu thị nào cũng chỉ có vài loại quả, bầy biện lộn xộn… Ngay cả ở Big C Thăng Long cũng chỉ có một đến hai chỗ trưng bầy hoa quả Việt, mà hình như cũng chỉ thấy có bưởi là của Việt Nam, rất lép vế trước hoa quả nhập ngoại đa dạng về chủng loại và trông bắt mắt, hợp vệ sinh. Điển hình như nho Mỹ, táo đỏ Mỹ, măng cụt Thái Lan…

Anh Bùi Minh Thưởng, nhân viên bán hàng tại Big C, cũng đồng tình và nhận xét, đúng là ở đây ít thấy hoa quả Việt, vì thế người mua không chú ý và có nhìn thấy thì cũng chỉ sờ qua rồi đi thẳng. Trong khi đó, hoa quả ngoại nhập bán chạy hơn nhờ đảm bảo chất lượng. Lượng tiêu thụ tại đây, anh Thưởng ước đoán, mỗi ngày gần một xe tải.

Hoa quả ngoại nhập bày bán la liệt, bắt mắt trong siêu thị.

Thời gian gần đây, các mặt hàng hoa quả ngoại tràn vào Việt Nam. Hoa quả “ngoại” không chỉ theo bày bán trong hệ thống siêu thị mà trên các phố, cửa hàng bán hoa quả nhập ngoại cũng nhan nhản. Mặc dù nguồn gốc xuất xứ còn là điều băn khoăn, nhưng điều đó chứng tỏ nhu cầu dùng hàng hoa quả ngoại nhập tại Việt Nam tăng mạnh thời gian qua.

Xâm nhập hệ thống siêu thị Việt

Lâu nay hàng hoa quả “ngoại” luôn lấn lướt hàng nội cả về chất lượng và mẫu mã. Thế nhưng, những người “sính” hàng ngoại không cẩn thận sẽ mua phải hàng đội lốt “made in China”. Hoa quả từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua nhiều đường, nhưng do đường biên giới dài, cộng với nhiều kiểu luồn lách nên chúng ta không thể kiểm soát được số lượng. Người tiêu dùng không cẩn thận khi mua hoa quả nhập ngoại rất dễ bị lừa bởi một số cửa hàng lợi dụng tình trạng nhập nhèm mẫu mã đã trà trộn sản phẩm của Trung Quốc vào.

Trong khi đó, hoa quả ngoại nhập lại đang xâm nhập ồ ạt vào hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Mới đây nhất, đại sứ quán Canada tại Hà Nội đã công bố chương trình quảng bá các sản phẩm của nước này (gồm hoa quả, bánh kẹo) tại chuỗi 16 siêu thị Fivimart ở Hà Nội.

Đại diện Đại sứ quán Canada đánh giá, Việt Nam là thị trường tiềm năng để tiêu thụ hoa quả Canada vì người Việt Nam rất hay ăn hoa quả, đặc biệt với các mặt hàng táo, anh đào… thời gian qua đã bán chạy. Vì thế doanh số xuất khẩu hoa quả của Canada vào Việt Nam năm 2011 là 136 triệu USD.

Đại diện Đại sứ quán Canada cho biết trong thời gian tới sẽ xem xét nghiên cứu thị trường Việt Nam để tiến hành các chương tình xúc tiến thương mại nhằm đưa sản phẩm chất lượng cao đến gần các bữa ăn của gia đình Việt hơn.

Rõ ràng trong thời gian tới, khi Việt Nam ngày càng mở cửa thị trường, thuế nhập khẩu giảm theo cam kết khi hội nhập, các mặt hàng hoa quả “ngoại” chất lượng đảm bảo sẽ tiếp tục tràn vào. Khi thói quen mua sắm thay đổi, người tiêu dùng đến các siêu thị mua hàng nhiều hơn thay vì đi các chợ lẻ, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, các doanh nghiệp kinh doanh hoa quả trong nước cần sớm có những biện pháp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ để tránh bị thua ngay trên sân nhà.