Hành trình của “những thằng điên”
Cách đây cả chục năm, làng Năm Mẫu, xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên là một làng nghèo hiu hắt bên bờ sông Hồng. Quanh năm, người dân bám bãi trồng củ hoài sơn, củ dong, rồi kết hợp buôn chuối, bươn trải khắp các tỉnh, thành miền Bắc. Lam lũ, vất vả bội phần là thế mà vẫn không đủ ăn đủ tiêu, cuộc sống sóng gió đủ đường.
Trên chuyến chuối buôn gom từ các tỉnh về Hà Nội phục vụ Tết năm 2004, nhóm thương lái có ông Ngô Văn Công, Ngô Văn Đán… bị chinh phục bởi giống chuối tiêu hồng ở Nam Định. Loại chuối này, theo ông Ngô Văn Đán thì “Mã đẹp, quả tròn, mà ăn lại ngon ngọt, hơn đứt loại chuối tiêu thường”. Mấy ông bàn nhau mua giống chuối ấy về trồng tại quê nhà.
Lúc ấy, mỗi gia đình có vài sào đất. Ông Đán, ông Công nhờ người mua cây chuối giống từ Nam Định rồi chuyển về quê trồng thử nghiệm ban đầu. Ngày ấy, dân trong làng chỉ biết trồng mấy bụi chuối tây, quả lép kẹp, không có giá trị. Việc trồng chuối trên mảnh đất ven sông là điều không tưởng với bà con trong làng. Ông Đán thành thật: “Ngày ấy, người trong làng bảo chúng tôi là những thằng điên mang chuối về trồng”.
Nhớ lại ngày ấy, việc trồng chuối bao gian lao, vất vả. Bãi trồng nhiều chuột phá hoại, các ông đánh bẫy, thu bắt không xuể. Chuột gặm cây, rồi nhấm quả, thiệt hại khôn lường. Mà không chỉ chuột, tình trạng mất trộm còn diễn ra triền miên. Ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên, những người tiên phong trồng chuối bây giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình.
Sau những khó khăn bước đầu, việc trồng chuối gặp nhiều thuận lợi hơn. Giống chuối tiêu hồng cho năng suất và chất lượng không ngờ, gia đình các ông phất lên nhờ chuối, mỗi năm thu lãi cả mấy trăm triệu đồng. Thấy có lãi, các ông cũng đầu tư thu mua thêm đất của các làng bên, với giá 1,5 triệu đồng/sào/năm. Đến nay, nhà ông Đán sở hữu hơn chục mẫu chuối, nhà ông Công gần chục mẫu, hai gia đình ông cũng là có số đất trồng chuối nhiều nhất làng.
Thấy gia đình “những thằng điên” ăn lên làm ra nhờ chuối, dân trong làng cũng làm theo. Ban đầu là vài hộ dò dẫm trồng thử, rồi lan ra cả làng, bây giờ là cả xã trồng chuối tiêu hồng. Chuối tiêu hồng đổi đời dân làng Năm Mẫu. Nhà nhà trồng chuối, nhà nhà mái bằng xây tiền tỷ, cuộc sống nhộn nhịp và sung túc trông thấy.
Đánh bạc với trời
Tiếng là trồng chuối có lãi, nhưng không phải là “ăn chắc thắng chắc”. Người làng Năm Mẫu bao phen nơm nớp lo sợ mỗi khi bão lũ đến mùa, rồi thấp thỏm ngóng giá chuối cao – thấp ra sao mỗi mùa thu hoạch.
Hiện nay, trung bình mỗi buồng chuối có giá bán buôn từ 120.000-150.000 đồng. Thời gian cao điểm như Tết Nguyên đán năm 2012, một buồng chuối tiêu hồng có giá từ 300.000-500.000 đồng. Trận bão trước Tết 2012 gây thiệt hại cho nhiều địa phương, làng Năm Mẫu cũng đổ, gãy cả vạn cây, nhưng không thấm tháp gì so với số lượng chuối khổng lồ của làng.
Hỏi về vựa chuối năm vừa qua, người trong làng ai cũng tươi vui, hớn hở. Ông Ngô Văn Bửu, sở hữu 5 mẫu chuối cho biết: “Chuối Tết vừa rồi được giá, nhà chú cũng bán được khoảng 300.000 đồng/buồng, thương lái mang đi khắp Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… Chú cũng thu được hòm hòm tiền, được đôi ba trăm (triệu đồng – PV)”.
Nhưng người trồng chuối không phải lúc nào cũng gặp thuận. Mùa chuối 2009 làm cả làng điêu đứng. Năm đó, thời tiết khắc nghiệt, chuối thu hoạch rầm rộ chỉ trong vòng 2 tháng. Chuối chặt không xuể, chín rộ, mất giá. Chuối cho bò, bò không ăn. Chuối cho cá, cá chê. Những ông chủ chuối dày dạn kinh nghiệm như ông Công, ông Đán lỗ cả 300-400 triệu một mùa. Cả làng khóc ròng theo chuối.
Bão lũ mỗi năm đều thử thách bản lĩnh của người trồng chuối làng Năm Mẫu. Công lao cả năm có thể tan nát trong vài phút! Nhiều gia đình mua dây chằng chuối, nhiều thì 5 tạ dây, ít thì cũng 1 vài tạ, giữ cho chuối không gẫy cây. Ông Bửu khẳng định: “Không được mùa chuối thì không đủ tiền thuê nhân công, không đủ tiền phân gio chăm bón cả năm. Trồng chuối như đánh bạc với trời”.