Sau thông tin gừng, khoai tây Trung Quốc bị phát hiện có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến không ít người tiêu dùng hoang mang thì các chợ đầu mối, chợ lẻ vẫn là xứ sở để tiêu thụ các mặt hàng gia vị Trung Quốc như hành củ, hàng tây, tỏi, cà rốt…
Được chuộng vì giá rẻ, mẫu mã đẹp
Ghi nhận của PV tại các chợ đầu mối như Long Biên, Đền Lừ (Hà Nội), mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến xe tải chở các loại hoa quả, nông sản khô về đây tiêu thụ.
Theo tiết lộ của các chủ hàng chuyên đánh buôn các loại gia vị, nông sản Trung Quốc từ cửa khẩu về Hà Nội, giá các mặt hàng này rẻ như bèo, thấp hơn rất nhiều so với những loại gia vị trong nước. Đơn cử như hành củ khô, hành tây, cà rốt, gừng giá nhập khẩu chỉ khoảng 2.500 đồng/kg, tỏi 3.400 đồng/kg.
Mặc dù các loại gia vị Trung Quốc có nhiều tai tiếng về chất lượng, hàng trong nước cũng khá dồi dào nhưng vì ưu thế giá rẻ, mẫu mã đẹp, được nhà hàng, quán ăn ưa chuộng nên lượng tiêu thụ gia vị Trung Quốc khá mạnh.
Hành củ, tỏi Trung Quốc bán đầy chợ ở Hà Nội (ảnh SGTT) |
Chị Thanh, một thương lái chuyên buôn hành, tỏi khô Trung Quốc nhiều năm nay, nhận xét: “Tuy độ thơm không bằng hàng Việt nhưng hành, tỏi Trung Quốc tép to, mã đẹp lại dễ bóc nên được đa phần nhà hàng, quán ăn chọn mua”.
Hiện tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, giá bán sỉ tỏi, hành khô Trung Quốc là 16.000 đồng/kg. Trong khi đó, mặt hàng này của Việt Nam mẫu mã xấu nhưng lại có giá bán đắt gấp 3 lần hàng Trung Quốc.
Chị Lan – người chuyên đổ buôn hành tỏi cho tiểu thương các chợ lẻ – cho hay, trước kia chị có nhập cả các loại hành củ khô, tỏi, hành tây trong nước nhưng do tiêu thụ chậm, tiểu thương chợ lẻ chê đắt, khó bán nên giờ chị chỉ nhập với số lượng hạn chế theo đơn đặt hàng, còn lại chủ yếu bán hàng Trung Quốc.
Hỏi mua các loại hành, tỏi Việt Nam với mục đích dùng để làm gia vị trong nhà hàng, chị Lan nói: “Mua mấy loại hàng nội đó đắt lắm, làm hàng ăn làm sao có lời, nhà hàng toàn đặt mua hàng Trung Quốc. Mà ở chợ này hàng nội hiếm lắm”.
“Do giá rẻ, được nhiều mối hàng chuộng nên mỗi ngày tôi bán hết cả tấn hàng gia vị”, chị Lan chia sẻ thêm.
Trong khi đó, tại các chợ bán lẻ, các loại hành, tỏi, gừng, hành tây, cà rốt… nhập từ Trung Quốc vẫn “phủ sóng” khắp chợ, lấn át hàng nội vì giá rẻ, người bán sẽ được lời nhiều hơn so với bán hàng nội.
Theo cơ quan kiểm dịch thực vật đóng tại Lạng Sơn, năm 2012 tại cửa khẩu Lạng Sơn, Việt Nam nhập tới 680.000 tấn rau củ quả các loại từ Trung Quốc. Trong đó, riêng hành củ khô nhập 18.500 tấn, tỏi trên 116.000 tấn, hành tây 64.000 tấn.
Liên tục phát hiện hàng độc hại
Mặc dù liên tiếp có thông tin nông sản Trung Quốc bị phát hiện có chất độc hại trong thời gian gần đây nhưng các loại mặt hàng này vẫn ùn ùn về chợ. Các nhà hàng quán ăn vẫn sử dụng với số lượng lớn mỗi ngày. Điều đó khiến người tiêu dùng hoang mang bởi ngoài những loại nông sản đã được phát hiện độc hại thì những loại nông sản Trung Quốc khác liệu có giống như vậy hay không?
Khoảng giữa năm nay, cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT cho biết đã phát hiện mẫu chanh vàng nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu ở TP.HCM có nhiễm chất Carbendazim vượt ngưỡng cho phép.
Ngay sau đó không lâu, thông tin gừng Trung Quốc được bảo quản bằng chất độc hại khiến người tiêu dùng hoang mang bởi gừng Trung Quốc đang được bày bán khắp các chợ. Bộ NN-PTNT qua kiểm tra đã phát hiện có một mẫu gừng tại chợ Bình Điền trên địa bàn TP.HCM có dư lượng aldicarb 0,06ppm vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU và Nhật Bản.
Mới đây nhất, cơ quan chức năng đã tiêu hủy gần 26 tấn khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt vì phát hiện chất độc hại Chorpyrifos (một hóa chất dùng để diệt mối) vượt quá mức dư lượng tối đa cho phép đến 16 lần.
Điều đáng nói là đây không phải là lần duy nhất mà khoai tây bị phát hiện có chất độc hại bởi vào giữa năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng đã phát hiện khoai tây Trung Quốc nhập qua cảng Sài Gòn có chứa hoạt chất Cholorpyrifos vượt mức giới hạn tối đa cho phép từ 3-5 lần.
Tại cuộc họp giao ban quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp vừa qua của Bộ NN-PTNN, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đã chỉ đạo cần kiểm soát từ gốc các sản phẩm nông sản, tăng cường phối hợp với thanh tra chuyên ngành các sản phẩm liên quan đến nông sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc nông sản Trung Quốc bị phát hiện có chất độc hại liên tiếp thời gian gần đây làm đa phần người tiêu dùng hoang mang. Nhiều người cho rằng, họ có thể hạn chế, tránh mua hoặc tẩy chay các sản phẩm là hàng nông sản Trung Quốc ở chợ nhưng các nhà hàng, quán ăn vẫn sử dụng và tiêu thụ mạnh các loại nông sản này, nhất là các loại gia vị hành, tỏi, gừng… Do đó, người tiêu dùng nghiễm nhiên vẫn sử dụng nông sản Trung Quốc hàng ngày mà không biết chúng có an toàn hay không.