Theo số liệu công bố hôm qua của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nhà quan sát nhận định CPI qua 6 tháng đầu năm mới tăng được 2,4% như vậy là thấp. Đáng chú ý hơn, gần một nửa chênh lệch tăng của chỉ số CPI là do các “yếu tố phi thị trường”, cụ thể là đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế hồi tháng 4.
Kết luận mà luồng ý kiến này đưa ra là đà phục hồi kinh tế có thể vẫn còn chông chênh, nhất là khi nhìn nhận vấn đề qua chỉ số giá.
Người viết đồng ý rằng chưa thể lạc quan (và cả chủ quan?) về đà phục hồi nói chung của nền kinh tế, nhất là khi hai công việc quan trọng nhất là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu kinh tế hiện chưa triển khai được là bao.
Tuy vậy, nếu góc nhìn thận trọng này xuất phát từ CPI thì chưa phù hợp. Thực tế, nên xem CPI thấp là cơ hội điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu về mức giá xác định theo cơ chế thị trường. Đây cũng là một thành tố quan trọng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.
Cao, thấp, hay vừa vừa?
Đầu tiên hãy bàn tới việc CPI tăng như vậy là cao hay thấp.
Đúng là việc CPI gần như “nằm im” trong tháng 6 bất chấp đợt tăng giá xăng dầu gần đây có vẻ như là “thấp” nếu chỉ nhìn vào số liệu của một tháng.
Tuy vậy, mức tăng 0,05% của tháng này cao hơn 0,09% so với tháng trước và cao hơn tới 0,31% so với tháng 6/2012. Kết quả là CPI so với cùng kỳ năm ngoái của tháng 6 tăng lên 6,69% so với con số 6,36% của tháng 5.
Theo thông lệ quốc tế, số liệu này phải đọc là lạm phát tăng tương đối mạnh chứ không phải là “tăng thấp” với hàm nghĩa thiểu phát hay thậm chí là giảm phát.
Nếu so sánh với biên độ lạm phát mục tiêu 6-7% mà ngân hàng nhà nước thường xuyên đề cập mỗi khi có dịp, thì dù vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng rõ ràng lạm phát đang tiến dần tới cận trên 7%.
Ở thái cực ngược lại, người đọc có thể phản đối rằng tính từ năm 1995 đến nay, CPI tháng 6 tăng trung bình khoảng 0,3% và CPI 6 tháng đầu năm tăng trung bình 4,82%. Như thế, CPI 6 tháng đầu năm 2013 tăng chưa được một nửa so với trung bình dài hạn.
Đó là một nhận xét chính xác, nhưng số liệu trung bình dài hạn bao gồm cả các năm tăng trưởng nóng mất kiểm soát như giai đoạn 2007-2011.
Bây giờ là giai đoạn tình hình thế giới khó khăn, trong nước đổi mới mô hình tăng trưởng, nói cách khác là “đi chậm để ngẫm lại mình”.
Vì thế, nên so sánh với một giai đoạn tương tự thì chính xác hơn và theo quan điểm của người viết, giai đoạn 5 năm 1998-2002 là hợp lý nhất. Đó là lúc thế giới có nhiều bất ổn còn kinh tế trong nước tăng trưởng chậm còn hơn bây giờ.
Trong giai đoạn này, CPI tháng 6 trung bình giảm 0,1% còn CPI 6 tháng đầu năm trung bình tăng 1,8%. Như vậy, không nên vì hai con số tương ứng tăng 0,05% và 2,4% của năm 2013 mà quá lo ngại.
Thị trường hay “phi thị trường”?
Một lý do nữa để nhận định “CPI tăng thấp” là việc “các yếu tố phi thị trường đóng góp gần một nửa”. Cụ thể và rõ ràng hơn, “các yếu tố phi thị trường” ở đây là để chỉ đợt tăng giá dịch vụ y tế hồi tháng 4 vừa qua.
Theo người viết, nhận xét này không đúng. Nguyên nhân là giá dịch vụ y tế công tại Việt Nam hiện vẫn quá thấp, và đó mới là “yếu tố phi thị trường”. Vì thế, khi tăng giá dịch vụ y tế, tức điều chỉnh giá về gần hơn mức cân bằng thị trường, nên coi đây là một “yếu tố thị trường” thì đúng hơn.
Nhìn lại số liệu CPI, nếu như giá tiêu dùng tháng 6 năm nay tăng 6,69% so với cùng kỳ năm ngoái thì giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 62,03%, tức đóng góp 3,48% (hơn một nửa) vào chỉ số giá tiêu dùng nói chung. Và đấy mới là câu chuyện điều chỉnh của duy nhất một nhóm hàng với quyền số bằng 1/18 rổ hàng hóa dịch vụ dùng để tính CPI.
Nhìn rộng ra, còn nhiều mặt hàng tại Việt Nam có giá thấp giả tạo so với thế giới và khu vực như điện, nước, than, giáo dục … Đây đều là những mặt hàng nhạy cảm, biết là thấp nhưng chuyện điều chỉnh về mức giá theo cơ chế thị trường không dễ và chỉ có thể làm từ từ vào những giai đoạn lạm phát thấp và ổn định.
Trong sáu tháng cuối năm, dư địa tăng giá vẫn còn 4,6% nữa mới tới cận trên của mức lạm phát mục tiêu do NHNN đặt ra. Có lẽ đây là cơ hội tốt để đưa một số mặt hàng cơ bản tiến gần hơn tới cơ chế xác định giá theo thị trường.