Trang chủ » Kinh tế 24h » Tương ớt gây ung thư: Quảng Nam phản pháo nhà khoa học

Tương ớt gây ung thư: Quảng Nam phản pháo nhà khoa học

Tác giả:

Tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích trồng ớt rất lớn, lên đến hàng ngàn hécta, với hàng chục ngàn nông dân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ ớt và các thực phẩm chế biến từ ớt. Đặc biệt, các vùng chuyên canh ớt tập trung ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Hội An… nằm dọc sông Thu Bồn, Vu Gia.

Ông Nguyễn Quang Thử- GĐ Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, nông dân và tiểu thương ở các địa phương này trồng, chế biến thực phẩm từ ớt từ ớt tươi, ớt khô, đến ớt bột, tương ớt…để dùng trong gia đình và bày bán ở các chợ, cũng như cung cấp cho hệ thống siêu thị. Những năm vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường (Sở công Thương) phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến ớt, các chợ búa…, nhưng không phát hiện thấy các chất độc hại, gây mất an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

{keywords}

Ông Thử nói: “Việc đưa ra thông tin, nhận định ớt bột, ớt khô ở nhiều tỉnh miền Trung sử dụng chất độc hại, khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm và đề nghị cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, kiểm soát thì người hay đơn vị đưa thông tin cần phải công bố rõ ràng ở những cơ sở nào, sử dụng chất gì, tỉ lệ bao nhiêu. Chứ nếu chỉ nói chung chung là người trồng ớt và các cơ sở sản xuất ở miền Trung thì vô tình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm ớt có nguồn gốc miền Trung, làm phương hại đến nông dân trồng ớt, cơ sở chế biến ớt ở các tỉnh miền Trung”.

Nhiều nông dân cũng tỏ ra bất bình trước thông tin và khuyến cáo theo kiểu “phán” giữa trời nêu trên. Ông Nguyễn Văn Ba- nông dân trồng ớt ở vùng chuyên canh ớt Gò Nổi, huyện Điện Bàn- cho biết: “Xưa nay nông dân chúng tôi thường trồng ớt trên những vùng đất tốt như nà thổ, bãi bồi phù sa ven sông Thu Bồn, thậm chí là từ đất lúa chuyển sang trồng ớt, nên ớt phát triển tốt, ít sâu bệnh, không cần dùng nhiều phân và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vậy mà cho rằng dự lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ớt của chúng tôi có nhiều, thì phải xem lại thực tế, người đưa ra nhận định này cần phải nói rõ là ở đâu, phải xuống tận ruộng kiểm tra rồi mới “phán” cụ thể, chính xác được”.

Còn bà Phạm Thị Dung- chủ cơ sở chế biết tương ớt Hồng Hạnh ở TP.Hội An- nói rõ: “Tương ớt do chúng tôi chế biến chỉ cần dùng ớt trái đã chín luộc lên, xay nát ra rồi xào với gia vị (đường, muối…), cho ra tương ớt có màu sắc đỏ tự nhiên, không cần phải dùng đến hóa chất gì cả.

Hầu hết các cơ sở chế biến tương ớt ở Hội An đều làm theo công thức thủ công này. Tương ớt đặc sản Hội An đã trở thành “thương hiệu”, được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị, kể cả xuất khẩu đi nước ngoài lâu nay rất uy tín. Dù là “ông khoa học” nào đi nữa, thì khi đưa ra nhận định cũng phải có địa chỉ, bằng cớ xác đáng. Chứ nói chung chung như vậy, thế nào chẳng ảnh hưởng đến sản phẩm của chúng tôi. Thiệt hại này “ông khoa học” ấy có biết không?”.

Từ chuyện đưa ra nhận định “tương ớt miền Trung sử dụng chất gây ung thư rất nhiều” như thế này, lại nhớ đến những “bài học” về những phát biểu thiếu trách nhiệm trước đây về các loại trái cây miền Nam có chất độc hại… đã từng khiến hàng vạn nông dân cùng các nhà sản xuất, tiêu thụ lao đao vì sản phẩm rớt giá, thương hiệu bị sứt mẻ. Tuy nhiên, sau ”phát ngôn” này, chẳng thấy các “nhà phán” bị xử lý gì về những phát biểu gây độc hại của họ.