Đòn chí mạng
Xung quanh đề xuất sẽ có giá điện riêng cho thép và xi măng, các DN thuộc ngành này đều lên tiếng không đồng tình. Ông Nghi, đại diện ngành thép cho rằng, nếu giá điện tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các DN.
Ông Nghi cho biết, việc tăng giá điện để tiến tới cho ngành điện không còn lỗ nhưng cần có lộ trình đặt ra cho phù hợp với tình hình. Trong giai đoạn hiện nay nếu tăng giá điện thì hại nhiều hơn lợi. Hiện, ngành thép đang rất khó khăn, nếu tăng giá điện sẽ làm tăng thêm đầu vào của thép và xi măng mà đầu ra không tăng, thậm chí còn giảm, sẽ gây khó khăn cho DN và nền kinh tế.
Đồng quan điểm, đại diện ngành xi măng, ông Thiện cũng cho rằng: “Các DN nên bình đẳng với nhau, tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn? Thực tế có nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt. Theo tôi, nghịch lý đó thì phải chấp nhận nhưng Hiệp hội Xi măng không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác.”
Theo ông Thiện, điện chiếm 15-17% trong giá thành xi măng, các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 10-12%. Tuy nhiên, giá xi măng không thể nâng được vì nâng lên phải căn cứ vào thu nhập bình quân.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Chuyện (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương) lý giải, ngành điện, thép và xi măng đều có những khó khăn. Khó của điện là giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành, ngành điện đang chịu lỗ lớn. Đối với ngành thép và xi măng đang đối mặt với khó khăn về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu của chúng ta là các ngành đều cùng phát triển, vì thế cần tìm giải pháp tổng thể.
“Muốn hay không muốn giá điện cũng phải tăng, đây là điều không tránh khỏi. Đối với thép và xi măng thì đặt ra 2 vấn đề: một là, có nên tăng giá điện với 2 ngành này; thứ hai là hai ngành này phải đổi mới công nghệ”, ông Chuyện nói.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, ngành thép và xi măng để đảm bảo phát triển lâu dài cần quan tâm tới tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện để giảm giá thành, sản phẩm đưa ra nhiều và chất lượng tốt mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Rẻ vẫn ế
Hai năm qua, ngành vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng hóa tồn kho lớn, các doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí phải dừng sản xuất và có nguy cơ phá sản. Những con số thống kê lượng hàng tồn kho “khủng”từ sản xuất thép, xi măng và dự báo không mấy sáng sủa trong thời gian tới khiến nhiều chuyên gia trong ngành lo ngại.
Theo hiệp hội xi măng Việt Nam, năm 2012, ngành xi măng Việt Nam đã tiêu thụ được trên thị trường nội địa 46 triệu tấn, xuất khẩu được 9 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng xi măng tiêu thụ trong năm 2012 là khoảng 55 triệu tấn. Đến năm 2015, năng lực sản xuất của ngành xi măng Việt Nam là khoảng 75 triệu tấn. Nếu không có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, khả năng dư thừa xi măng trong những năm tới là không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Thiện (Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam) cho biết, xi măng được xác định là “bánh mỳ xây dựng”. Tuy nhiên, không ai lường trước kinh tế thế giới từ 2010 lại suy thoái, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Trước tình hình đó, Chính phủ đã thắt chặt đầu tư công, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, năm 2011, bất động sản đóng băng. Tất cả những điều trên ảnh hưởng đến ngành xi măng dù quy hoạch đúng đắn. Giá xi măng nước ta so với các nước khu vực là thấp nhất, đây là khó khăn với ngành xi măng, dẫn đến lợi nhuận rất thấp, nhiều DN thua lỗ.
Đại diện Hiệp hội thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi chia sẻ, hiện nay đang dư thừa công suất thép xây dựng tới 1,5 – 2 lần so với nhu cầu của xã hội; các sản phẩm thép như cán nguội, ống thép, tôn mạ đều cũng có dấu hiệu dư thừa. Các doanh nghiệp thép hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn cử như giá phôi thép đang từ 11,7 triệu đồng/tấn cộng với giá gia công thì DN không có lãi.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành thép sản xuất khoảng 2,61 triệu tấn phôi thép và gần 5,1 triệu tấn sản phẩm thép. Ước tính cả năm 2013, ngành thép Việt Nam sẽ sản xuất được khoảng 5,3 triệu tấn phôi thép và 10 triệu tấn sản phẩm thép. Các dự án Thái Nguyên, thép Việt, thép Nghi Sơn sẽ đưa vào sản xuất năm 2015, vì vậy sản lượng thép năm 2020 sẽ càng tăng cao.
Nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực, giá thép xi măng của Việt Nam rẻ hơn nhiều tuy nhiên đánh giá của các chuyên gia trong nước mức giá này còn tương đối cao do nhiều yếu tố đầu vào. Đơn cử như ngành xi măng hiện nay, trong cơ cấu giá xi măng, nhiên liệu và năng lượng chiếm 45-50%. Trong khi đó các nước trong khu vực tầm 30-35%. Ngoài ra, chi phí đầu tư tài chính cao nhất đến 33%.
Đối với ngành thép, khi xây dựng một dự án đầu tư phải dựa vào 3 nguồn vốn: tự có, bán trên thị trường chứng khoán và vay ngân hàng. Các DN trong nước vốn tự có khá ít, vốn trên thị trường chứng khoán cũng không nhiều mà chủ yếu là vốn vay. Vì thế, khi giá thành thép bán ra tương đối cao so với một số nước nên sức cạnh tranh bị ảnh hưởng.