Trang chủ » Kinh tế 24h » Tương ớt gia vị phẩm màu, mắm cá đặc sản hóa chất

Tương ớt gia vị phẩm màu, mắm cá đặc sản hóa chất

Tác giả:

Tâm điểm: Tương ớt từ hóa chất, phẩm màu

Tương ớt là gia vị quen thuộc trong ăn uống của người Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều loại tương ớt trôi nổi được làm từ hóa chất công nghiệp và phẩm màu.

Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) bán vô số loại tương ớt, tương cà đựng trong can nhựa với giá khá rẻ, từ 30.000 – 50.000 đồng/5lít. Theo các chuyên gia, nguyên liệu chính của tương kém an toàn không phải là ớt, cà chua, đậu nành mà là các loại bột biến tính (như bột khoai, sắn, bột năng). Khi đó, người ta cho thêm chất tạo đông, chất bảo quản, màu và hương liệu. Do đó, tương ớt, tương cà sẽ có màu đỏ sặc sỡ, tươi và trong veo; khi ngửi có mùi nồng khó chịu xộc lên mũi.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện một DN chuyện sản xuất tương ớt cho biết, qua các vụ bắt giữ tương ớt bẩn của Phòng cảnh sát môi trường – Công an Hà Nội và các ngành chức năng, các loại tương ớt bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ được sản xuất theo công thức: Tương ớt trộn lẫn phẩm màu, bột màu đỏ, chất tạo độ sét và chất bảo quản trong quá trình sản xuất.

Hồi đầu tháng 7/2013, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội khi nói hiện tượng các cơ sở sử dụng những phụ gia, hóa chất không an toàn trong các sản phẩm có nguồn gốc từ ớt cũng nhận định tương ớt sử dụng nhiều chất gây ung thư.

Chi Cục QLTT Hà Nội mới đây đã bắt 500kg tương ớt trôi nổi không rõ nguồn gốc được đóng vào chai nhựa không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, vào cuối năm 2011, lực lượng chức năng ở Hà Nội, phát hiện một cơ sở sản xuất tương ớt giá 6.000 đồng/lít có sử dụng các chất phụ gia tạo màu độc hại.

Nóng: Đặc sản Việt Nam từ hóa chất Trung Quốc

Cốt dừa, mắm cá từ hóa chất Trung Quốc: Người tiêu dùng còn hoang mang khi báo chí đồng loạt đưa tin nước cốt dừa, mắm cá được làm từ hóa chất Trung Quốc. Tại chợ Kim Biên (TP. HCM) từ gia vị thịt kho tàu, bò kho, cá kho, cà ri, lẩu Thái, canh chua, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang… cho đến bún riêu, bún chả, bún thang rồi đến các loại dầu giấm, nước mắm pha sẵn… đều có đủ.

Theo BS Đào Thị Yến Thủy, TT Dinh dưỡng TP. HCM, những mặt hàng gia vị trôi nổi chủ yếu làm từ hỗn hợp các hóa chất để đánh lừa vị giác người ăn chứ chúng không có giá trị về dinh dưỡng. “Chúng được pha chế bằng các hóa chất tạo độ ngọt, dai, giòn… hương liệu và phụ gia tạo màu công nghiệp lẫn tạp chất và kim loại nặng nên nếu sử dụng thường xuyên, chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến ung thư”.

Ống hút làm từ nhựa phế thải: Tại làng nghề nhựa Văn Lâm – Hưng Yên, nhiều chủ cơ sở cho biết có những loại ống hút nước giải khát từ nhựa phế thải bốc mùi. Để hạ giá thành sản phẩm, để tăng lợi nhuận, đa số các cơ sở sản xuất đề pha thêm hạt nhựa tái chế theo một tỉ lệ nhất định. Các loại nhựa được thu mua, chất đống để dùng dần; việc rửa rác thải chỉ được làm qua loa, nhiều cơ sở còn bỏ qua công đoạn này, cứ thế cho vào sản xuất…”.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), các loại ống hút thực tế là làm từ nhựa polymer được tổng hợp từ các monomer. Trong đó monomer là những chất rất độc hại, chúng hoàn toàn có khả năng hòa tan trong nước và các thực phẩm nóng nên dễ dàng đi vào cơ thể. Nguy hiểm hơn là việc sử dụng nhựa tái chế để làm ống hút, vì như vậy nhựa sẽ bị phân giải nhanh hơn và giải phóng ra nhiều chất độc monomer hơn.

Nem chua, giò tai tiềm ẩn độc tố: Nem chua, giò tai là những món ăn khoái khẩu tại nhiều quán nhậu nhưng hầu hết thường không nhãn mác, mập mờ hạn sử dụng khi người dùng chỉ thấy có dòng chữ “hạn sử dụng: 3 ngày”.

GS.TS Y học Trần Đáng cho biết: “Thời hạn sử dụng của nem chua thường chỉ từ 3 đến 7 ngày, tùy loại nem và tùy điều kiện bảo quản. Nem chua quá hạn, luôn tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các kí sinh trùng có hại, chúng sẽ sinh sôi nảy nở khi gặp điều kiện thuận lợi, gây bệnh nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng, trong đó có những loại độc tố nấm mốc, độc tố vi khuẩn có thể gây ung thư”.

Hô biến hồng Trung Quốc thành đặc sản Việt Nam: Điều tra của báo Lao Động cho thấy, hầu hết các loại trái cây này trên thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được ủ hóa chất, nên chín đều và đẹp mã hàng tháng trời.

Tại chợ đầu mỗi Long Biên – Hà Nội, hàng nhập về đều được các tiểu thương bóc hết nhãn mác Trung Quốc chuyển thành hồng Bảo Lâm (Bắc Giang), hồng Đông Bành (Lạng Sơn)… Một trong những loại hồng có nguồn gốc Trung Quốc đang xuất hiện trên thị trường Việt Nam năm nay là loại hồng vàng đậm, trông rất đẹp mã. Giá của loại hồng này tương tự như giá của hồng đỏ loại 1. Thậm chí, người tiêu dùng còn lầm tưởng loại hồng vuông có giá 150.000 đồng/thùng là hàng Việt.

Công nghệ chế cân điêu: Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là những người thợ” tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội) sẽ “độ” ra một chiếc cân đồng hồ làm sai lệch trọng lượng thực của đồ cần cân. Thủ thuật chế cân điêu đang được hầu hết giới tiểu thương tại các chợ áp dụng “móc túi” người tiêu dùng hàng ngày. Theo giới kinh doanh, Mỗi kg chỉ nên ăn cắp được từ một đến hai lạng, 1kg ăn được 2 lạng, 5kg đã có 1kg đút túi.

Biến nhớt thải thành hàng xịn: Tại các “công xưởng” ở xã Vân Côn, An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), dầu nhớt thải được thu mua từ những cửa hàng sửa chữa xe máy, ga ra ô tô, trung tâm bảo dưỡng máy móc… được chủ lò đun nấu, “phù phép” thành nhớt “sạch” tung ra thị trường.

Tiến sĩ Đào Quốc Tùy (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết việc tái chế dầu nhớt thải bằng phương pháp thủ công, không qua kiểm định sẽ còn tồn dư nhiều hạt kim loại, tạp chất… Khi sử dụng, các loại động cơ, chi tiết máy sẽ nhanh bị hỏng. Đặc biệt, không ít loại nhớt thải sau khi tái chế được tung ra thị trường trong thành phần của chúng vẫn còn tồn dư lượng lớn axít, lưu huỳnh và đây được xem là nguyên nhân chính gây bào mòn máy, dẫn đến hư hại rất nhanh.

Nữ trang ý toàn là hàng Tàu: Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, không có doanh nghiệp nào ở TPHCM nhập nữ trang từ Ý cả, việc nhập nữ trang thành phẩm qua đường chính ngạch cũng không doanh nghiệp nào làm. Trên thị trường hiện nay người bán vẫn thường quảng cáo là nữ trang Ý, kỳ thực nó được nhập lậu về qua đường tiểu ngạch từ các nước lân cận, mà chủ yếu là Trung Quốc.

Còn theo nguyên trưởng phòng nữ trang của một công ty vàng bạc đá quý lớn tại TPHCM, nữ trang Ý là nữ trang làm bằng công nghệ Ý, sản xuất ngay tại Trung Quốc và đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Lạ: Sang Campuchia hái bông súng dài 5 – 7 mét

Mùa lũ năm 2013 này, người dân ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp có thêm nghề mới để mưu sinh theo con nước lũ, đó là sang các cánh đồng giáp biên nước bạn Campuchia để hái bông súng đồng.

Đây là loại có hoa màu trắng, thân dài, người dân miền Tây hay dùng nấu canh chua, chấm mắm kho…là món ăn quen thuộc được tiêu thụ mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chị Ngô Thị Đậu, ở xã Khánh An (An Phú – An Giang) gia đình có 5 người, mỗi buổi sáng cùng chạy chiếc võ lãi sang đồng Campuchia để hái bông súng đến chiều về, đem ra chợ bán mỗi người cũng kiếm từ 200.000 – 300.000 đồng.