Trang chủ » Kinh tế 24h » Cần làm rõ việc “chuyển giá” của FDI làm tăng nhập siêu

Cần làm rõ việc “chuyển giá” của FDI làm tăng nhập siêu

Tác giả:

Tại cuộc họp giao ban sản xuất kinh doanh tháng 9 của Bộ KHĐT sáng nay, 27/9, thứ trưởng bộ KHDT, ông Đặng Huy Đông đã bày tỏ, nhập siêu của Việt Nam có lý do lớn từ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, phục vụ cho sản xuất.

Tuy nhiên, phải chăng nhập siêu của Việt Nam còn do việc “chuyển giá” của các doanh nghiệp FDI vào mặt hàng nhập khẩu?  ông Đông nói.

Theo ông Đông, bộ KHĐT đã nhận được báo cáo đánh giá của một cơ quan  nghiên cứu kinh tế quốc tế đã khẳng định, chuyển giá là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, kể cả ở Mỹ, Anh… Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là các công ty đa quốc gia. 

Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã đề nghị, các bộ Công Thương, bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ KHĐT làm rõ hiện tượng này.

Báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế xã hội 9 tháng của bộ này cho biết, tổng mức nhập siêu 9 tháng của Việt Nam là 8,6 tỷ USD. So với tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng nhập siêu đã giảm chỉ còn 16,7%, thấp hơn so với mức 18,1% của 8 tháng đầu năm.

Tỷ trọng nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu đã thấp hơn so với “ngưỡng” mà Chính phủ đặt ra là nhập siêu chỉ được phép tối đa bằng 20% kim ngạch xuất khẩu.

Kết quả trên có được là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ và ấn tượng của kim ngạch xuất khẩu. Với con số đạt tới 51,5 tỷ USD trong 9 tháng,  tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là tới 20,5%, vượt xa mức kế hoạch đặt ra là trên 6%.

Có hiện tượng chuyển giá của FDI làm tăng nhập siêu của Việt Nam

Tính đến nay, cả nước đã có 13 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, gồm: dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, đá quí và kim loại quí, cà phê và 3 mặt hàng “mới” là sắt thép, than đá, cao su.

Cùng đó, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 60,08 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,5% (ASEAN 20%, Hàn Quốc 10,8%, Đài Loan 8,5%, Mỹ 4,5%…)

Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh, chiếm tới 80% tổng nhập siêu của cả nước. Việt Nam vẫn chỉ nhập siêu từ châu Á và xuất siêu với tất cả các châu còn lại.

Ví dụ, Việt Nam đã nhập siêu từ châu Á tới 22,5 tỷ USD, gấp hơn 2 lần nhập siêu của cả nước. Trong khi đó, chúng ta xuất siêu châu Âu đạt 4,5 tỷ USD, châu Mỹ đạt 6,6 tỷ USD, châu Úc đạt 1,15 tỷ USD.

Theo bộ KHĐT, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vừa qua lại do phần lớn là nhờ vào khối doanh nghiệp FDI.

Xét về giá trị tuyệt đối, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng thêm 9,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2009 thì riêng khu vực FDI tăng 6,77 tỷ USD, chiếm tới 69% giá trị kim ngạch tăng thêm. Không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI là 23,7 tỷ USD, tăng 40,1%.