Trang chủ » Kinh tế 24h » Vàng lên cơn “co giật”, dân đổ xô mua vào

Vàng lên cơn “co giật”, dân đổ xô mua vào

Tác giả:

Kết thúc phiên giao dịch chiều 27/9, Phụ trách giao dịch của hiệu Bảo Tín Minh Châu – anh Doãn Tiến Yên, cho biết, đa số người đến giao dịch tại hiệu hôm nay là mua vào. Lượng mua khá nhỏ lẻ, chủ yếu một vài chục lượng/người.

Nhu cầu mua vào bắt đầu tăng lên khi giá vàng vọt lên mức kỷ lục 30,80-30,90 triệu đồng/lượng cuối buổi sáng, đến nỗi một số cửa hàng phải dừng bán vàng ra cho khách.

Ngược lại, chiều hướng khách hàng đem vàng bán đi rất ít, chỉ tập trung vào buổi chiều khi giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm còn 30,67-30,76 triệu đồng/lượng.

Đây cũng là diễn biến được chị Hoàng Minh Lan – cửa hàng trưởng của SJC Hà Nội xác nhận.

Chị Lan cho biết, rút kinh nghiệm việc đổ xô bán ra khi giá vàng đạt mức 29 triệu đồng/lượng, hiện nay tâm lý phổ biến của người dân quan ngại rằng giá còn có thể tăng tiếp, do đó họ vẫn tiếp tục mua vào.

Với nhà đầu tư, thời điểm giá vàng thế giới đạt khoảng 1.300 USD/ounce như hiện nay được cho là mốc rất nhạy cảm. Có hai chiều hướng có thể xảy ra, một là giá vàng thế giới có thể tiếp tục vượt, hai là có thể sụt xuống.

Giá vàng trong nước tăng vọt khi vàng thế giới đang chững lại là diễn biến lạ

Tuy nhiên, theo chị Lan, xu hướng xuống nếu có sẽ chỉ là xu hướng điều chỉnh, bởi hiện đang là mùa tiêu thụ vàng vật chất rất lớn tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ.

Giới kinh doanh vàng nhìn nhận, việc giá vàng trong nước trưa 27/9 tăng đột biến thêm gần 300.000 đồng/lượng so với giá cùng thời điểm ngày 26/9 khi giá vàng thế giới đang chững lại là một diễn biến mới lạ trên thị trường vàng trong nước.

Bởi trước đây, giá vàng trong nước thường phụ thuộc và có diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới, nhưng nay tác động từ phía các nhà đầu tư, đầu cơ trong nước đã trở nên rõ nét khiến thị trường này xuất hiện nhiều hiện tượng giá bất thường, không theo quy luật và tách biệt với giá thế giới.

“Nguồn cung vàng trong nước khá hạn chế trong khi nhu cầu vàng trang sức cho mùa cưới gia tăng, đặc biệt là động thái gom hàng số lượng lớn của một số nhà đầu tư khiến nguồn cung của các hiệu không thể đáp ứng kịp, bắt buộc họ phải đẩy giá cao lên để huy động được vàng trong dân” – anh Yên lý giải.

Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng thừa nhận, nguồn cung vàng vật chất từ các doanh nghiệp trong nước đang ở vào bối cảnh khan hiếm do một thời gian dài Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập vàng miếng.

Trong khi đó, hiện có khoảng 600 tấn vàng, tương đương với 15 tỷ đôla đang “bất động” trong dân và rất khó huy động vốn bằng vàng để đầu tư cho phát triển.

Hiệp hội này cho biết, sau 2 tháng kể từ thời hạn cuối cùng là 30/7 cho việc đóng cửa sàn vàng và tài khoản vàng ở nước ngoài, thị trường vàng trong nước xuất hiện nhiều bất cập do không có hoạt động giao dịch, xuất, nhập vàng với thế giới.

Đó là lý do mà mới đây Hiệp hội đã có văn bản số 47/2010 gửi tới Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phản đối việc cơ quan chức năng đưa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vào Phụ lục Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.

Lý giải cơn “co giật” của giá vàng chiều 27/9, báo VnExpress phỏng vấn một số DN kinh doanh vàng nhập khẩu vàng. Có ý kiến cho rằng, các tổ chức lớn đang mua vàng vào để cắt lỗ, song cũng có chuyên gia khẳng định đây là cú làm giá bất thành của một số cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, nhận xét, “giá vàng trong nước ngày 27/9 bị chi phối mạnh bởi lực cầu của thị trường”.

Sau một thời gian yên ắng, ngày hôm nay toàn hệ thống PNJ đã bán ra khoảng 2.800 lượng trong khi mua vào chưa tới 1.000 lượng. Cầu lệch pha cung tất nhiên giá phải tăng cao. Nếu đà mua vàng của các nhà đầu tư trong nước vẫn tăng thì giá sẽ còn tiếp tục đi lên mạnh.

Còn ông Trần Thanh Hải – TGĐ Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), đầu tháng 5, khi giá vàng lên 28,5 triệu đồng/lượng, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã xuất với số lượng lớn vì nghĩ rằng đây là đỉnh cao. Họ kỳ vọng khi giá xuống và Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu, sẽ gom lại.

Tuy nhiên, hơn 4 tháng trôi qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cho nhập vàng miếng trở lại. Các đơn vị này cũng ít cơ hội để mua cân đối. Với các nhà đầu tư cá nhân, diễn biến giá vàng thời gian này phù hợp để lướt sóng, canh giá để mua bán hợp lý.

Với những người từng vay nợ vàng lúc 28,5 triệu đồng một lượng hoặc thấp hơn, lúc này nên mua để trung bình giá, vì không còn khả năng giá xuống đến mức đó. Còn những người từng bán khống lúc 29-30 triệu, có thể chờ đợi diễn biến thêm một vài hôm nữa để mua vào.

“Tuyệt đối không nên đầu cơ, bán khống lúc này, vì rất mạo hiểm”, ông Hải khuyến cáo.

Song, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, lại tỏ ra không tin là có lực mua cắt lỗ lúc này. Ông cho rằng, các tổ chức kinh doanh rất tỉnh táo, luôn biết cách để cân đối trạng thái chứ không bao giờ đẩy mình vào tình thế quá sâu để rồi phải mua cắt lỗ với bất cứ giá nào.