Trang chủ » Kinh tế 24h » Thêm một vụ truy thu 51 tỷ đồng thuế linh kiện ô tô

Thêm một vụ truy thu 51 tỷ đồng thuế linh kiện ô tô

Tác giả:

Nhà máy ô tô VEAM thuộc Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị tới các bộ Tài chính, Khoa học công nghệ, Công Thương, Giao thông Vận tải và Tổng cục Hải quan phản đối việc bị truy thu tới 51,53 tỷ đồng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu do không đảm bảo độ rời rạc.

Điều đáng nói là, việc kiến nghị truy thu khoản thuế khổng lồ này áp cho nhà máy ô tô VEAM là căn cứ theo kết luận của đoàn thanh tra Tổng cục Hải quan (kiểm tra ngày 9/8/2011). Dù có hướng dẫn mới của Bộ Tài chính thì kết luận thanh tra thuế của Tổng cục Hải quan vẫn có hiệu lực nếu các bộ không có ý sửa đổi, tháo gỡ.

Theo phản ánh của nhà máy, năm 2010, đơn vị đã ký hợp đồng nhập 600 bộ linh kiện ô tô MAZ của Tập đoàn MAZ, Belarus. Toàn bộ số linh kiện này đã được nhập về Việt Nam theo 73 tờ khai hải quan. Trong đó, 50 tờ khai hải quan nhập khẩu năm 2010 đã được dựa trên Thông tư 216 của Bộ Tài chính ban hành ngày 12/9/2009. 23 tờ khai nhập khẩu năm 2011 được kê khai thuế theo Thông tư 184 của Bộ Tài chính ban hành tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực từ 1/1/2011.Các lô hàng này nhập về phục vụ lắp ráp, sản xuất dòng xe tải, xe khách.

Xe tải VEAM cũng bị “soi” khả năng truy thu thuế hơn 51 tỷ đồng
(ảnh mang tính minh họa: theo baothanthoa)

Tuy nhiên ngày 9/8, đoàn thanh tra thuế của Tổng cục Hải quan tới làm việc với nhà máy, đã đưa ra kết luận lô hàng linh kiện ô tô đã không đảm bảo độ rời rạc ở 3 chi tiết gồm ghế lái, ống xả, cabin. Lô hàng có đủ các đặc trưng cơ bản của ô tô sắt xi có buồng lái. Do đó, toàn bộ 600 bộ linh kiện ô tô nhập khẩu của VEAM phải bị áp thuế theo xe nguyên chiếc với số tiền truy thu trên.

Nhà máy sản xuất ô tô VEAM này cho rằng, các kết luận của đoàn thanh tra là không chính xác. Vì thực tế khi nhập về, các linh kiện trên còn có độ rời rạc cao hơn cả qui định của Quyết định 05 của Bộ KHCN, ví dụ như cabin chia làm 59 mảnh, ống xả chia làm nhiều hơn 3 đoạn, ghế lái chia thành tấm lưng và tấm đệm riêng biệt. Tuy nhiên, có một số chi tiết ô tô khai báo trong tờ khai hải quan lại không đúng tên gọi như trong Quyết định 05 và đơn vị đã trình bày kỹ càng với đoàn thanh tra các lý do liên quan tới qui trình chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn MAZ.

Nhà máy VEAM khẳng định, thực tế hàng hóa nhập khẩu chưa hoàn chỉnh, phải qua qui trình gia công như hàn, sơn, kết hợp với một số linh kiện trong nước mới lắp ráp thành sản phẩm ô tô hoàn chỉnh. Do đó, kết luận lô hàng mang đặc trưng cơ bản của ô tô sắt xi có buồng lái và không đảm bảo độ rời rạc là không chính xác.

Cùng với khẳng định rẳng kết luận thanh tra là sai, nhà máy ô tô VEAM kiến nghị các bộ hỗ trợ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cách đây khoảng 2 tháng, các liên doanh ô tô lớn ở Việt Nam  gồm Honda, Ford, Toyota và GM Deawoo cũng đứng trước nguy cơ bị truy thu thuế linh kiện ô tô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng Honda suýt bị truy thu hơn 3.340 tỷ đồng… với lý do không đảm bảo độ rời rạc trên.

Ngày 4/10, sau nhiều cuộc họp liên bộ và trình xin ý kiến Chính phủ, Bộ Tài chính đã ra văn bản hướng dẫn cụ thể xử lý các trường hợp này. Theo đó, nếu các lô hàng linh kiện ô tô  không đảm bảo độ rời rạc, nhưng tổng giá trị của các linh kiện này không vượt quá 10% tổng giá trị của tất cả linh kiện phụ tùng cấu thành ô tô hoàn chỉnh thì vẫn được áp mức thuế ưu đãi riêng cho bộ linh kiện và từng linh kiện.

Với tiêu chí này,  các liên doanh ô tô du lịch trên đã thoát khỏi nguy cơ bị truy thu thuế.