Trang chủ » Kinh tế 24h » Dân nhập cư sợ Tết

Dân nhập cư sợ Tết

Tác giả:

Cố tìm thêm việc

Trong căn phòng trọ rộng 8m2 ở Phú Diễn, Từ Liêm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Văn Kiên vừa ăn cơm, vừa tính chuyện sắm tết. Thu là công nhân Công ty Giày da Thụy Khê, chồng làm bảo vệ có tổng thu nhập chỉ trên 3 triệu đồng/tháng.

“Kiếm được bao nhiêu là tiêu hết. Con nhỏ 2 tuổi đang phải gửi ông bà nội ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Nghĩ đến tết là sợ, vì có quá nhiều khoản: góp tiền ăn tết với bố mẹ, mua quà biếu hai bên nội ngoại, mua cho con mấy bộ quần áo mới. Chẳng lẽ về quê ăn Tết tay không?”, Thu nói.

Chia nỗi lo với vợ, anh Kiên cho biết, anh sẽ nhận thêm nhiều ca trực, thời giản dỗi thì nhận thêm việc bốc vác và dọn dẹp cho các văn phòng để kiếm thêm thu nhập.

Trong khi đó, vợ chồng nhà anh Đỗ Văn Việt (ngõ 12, Đào Tấn) đã lên Hà Nội làm thuê được gần chục năm. Anh Việt làm nghề xe ôm còn vợ mua đồng nát. Tết Dương lịch, cả hai vợ chồng không về quê ở Hải Hậu, Nam Định ở lại để kiếm tiền trả nợ.

“Năm ngoái vay mượn để xây được nhà cho ông bà với các cháu ở, mình đi làm ăn xa mỗi lần mưa bão cũng đỡ lo. Bây giờ phải lo trả nợ. Tết cũng phải có đồng ra đồng vào. Nên mấy ngày này, vợ chồng mình cố gắng làm thêm để có tiền. Buổi tối tôi ra bến xe làm bốc vác với mấy anh em cùng quê, còn vợ thì đi làm đồng nát rồi nhận thêm việc dọn nhà cuối năm, mỗi tiếng được 20.000 đồng”, anh Việt chia sẻ.

Trần Văn Chung (Điện Biên, Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên) mới đi làm đã hứa là sẽ góp 5 triệu đồng tiền ăn tết với cả nhà. Làm việc trong một công ty kiến trúc nhỏ, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. “Mang tiếng làm việc ở Hà Nội mà tết về nhà lại không có đồng tiền nào thì không được. Giờ thì chỉ trông chờ vào khoản tiền thưởng tết và cố tiết kiệm trong vòng một tháng thôi”, Chung nói.

Tết đến, rất nhiều lao động ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội kiếm việc làm thêm. Người thì theo chân mấy người thân, người thì tới chợ lao động… Anh Hoàng Công Sách (Yên Thành – Nghệ An) cùng 2 người bạn trong làng từ đầu tháng đã gia nhập đội quân bốc vác đứng đầu đường Nguyễn Văn Huyên.

Anh cho biết, năm nào cũng thế, cuối năm làng anh có nhiều người ra Hà Nội làm bốc vác, dọn dẹp. Nếu làm tốt, tháng này cũng kiếm được 2 – 3 triệu đồng ăn tết. Trong khi đó, chợ lao động ở Kim Ngưu đợt này cũng đông hơn hẳn do lượng người đổ về kiếm việc cuối năm tăng.

Tìm mua hàng rẻ

Chị Thơi vợ anh Việt kể, chị cũng đã chuẩn bị được mấy cái áo đẹp mang về cho con. Đó là những cái áo người ta cho trong khi chị đi mua đồng nát ở một số nhà giàu. “Áo vẫn sạch và đẹp lắm. Tôi xem rồi, nếu muốn mua một cái như thế có khi mất tới vài trăm nghìn đồng. Bây giờ đi làm, tôi chú ý chỗ nào có hàng tồn kho, khuyến mãi cũng cố nán lại để tìm mua cái nào mặc vừa mà lại giá rẻ.

Cũng như thế, sau mỗi lần tan ca, chị Thu hay lân la ra chợ thấy cửa hàng đại hạ giá, hay hàng chất đống ngoài chợ để cố gắng tìm được quần áo rẻ cho con và bố mẹ. “Mình không bao giờ dám bước chân vào những cửa hàng đẹp mua đồ vì quá đắt”, Thu buồn nói.

Chưa có gia đình nhưng Nguyễn Văn Phúc (Mai Động, Kim Động, Hưng Yên) cũng phải quyên góp tiền cùng bố mẹ. Tích cóp cả năm được 6 triệu đồng, vừa rồi Phúc đã gửi về cho bố để em trai đi học lái xe. “Từ nay tới tết mình cũng phải cố gắng tiết kiệm, thêm tiền thưởng để có vài triệu đồng để đưa cho bố mẹ ăn tết”, Phúc thật thà.

10 năm làm công nhân trong Công ty Cao su Hà Nội, đến giờ này Nguyễn Thị Hợp (Lâm Thao, Phú Thọ) đang mong muốn được chuyển về công ty gần nhà làm rồi ra ngoài tết sinh con. Chị Hợp tâm sự: “Về quê không phải mất tiền thuê nhà, cái gì cũng rẻ hơn ở đây. Mình cũng nhiều tuổi rồi, mong muốn có công việc ổn định để có thời gian chăm sóc cho con gái sắp được ra đời. Hy vọng sang năm mọi thứ ổn định chứ không thì nuôi con nhỏ khó lắm”.

Người dân di cư chủ yếu ra Hà Nội kiếm việc làm gửi tiền về cho gia đình nên họ ít có điều kiện tham gia hoạt động xã hội. Họ cũng là người không ổn định về chỗ ở nên chính sách hỗ trợ của thành phố còn hạn chế. Tết đến, giá cả tăng nên khó khăn đối với họ càng khó khăn hơn.