Trang chủ » Kinh tế 24h » Tháng xuân: Làm không đủ trả lương ôsin

Tháng xuân: Làm không đủ trả lương ôsin

Tác giả:

Về quê đón người giúp việc

Vợ chồng chị Nguyên Thảo (Q12, TP.HCM) mới sinh thêm một bé gái được 4 tháng, ngày 01/02 là ngày bắt đầu chị đi làm lại nhưng chị vẫn đứng ngồi không yên vì người giúp việc tới mồng 8 Tết (tức 29/1) vẫn chưa đi làm. Anh chị gọi điện hối thúc thì người giúp việc vẫn bình chân như vại nói rằng tàu xe còn đông lắm đợi qua rằm tháng giêng (8/2) mới quay trở lại làm việc.

Vợ chồng anh chị đều làm nhân viên công ty nước ngoài nên thời gian rất ngặt nghèo, công việc rất bận rộn không thể bê trễ. Gọi điện không được chồng chị đã phải nhanh chóng về quê đón người giúp việc.

“Vợ chồng em gọi điện mãi mà người giúp việc vẫn chưa muốn đi làm trở lại. Em bảo chồng phải về quê đón ra ngay. Chứ nếu không về đón họ không ra, con cái biết gửi ai trong khi công việc không thể nào nghỉ được. Cuối năm cũng đã thưởng Tết, cho quà và hứa hẹn đầu năm ra sớm nhưng qua Tết lại không chịu đi”, chị Thảo phân trần.

Với vợ chồng chị Hạnh (quận Gò Vấp, TP.HCM) thì quá thoải mái với người giúp việc nhưng xem ra họ cũng không mặn. Hằng ngày chỉ dọn dẹp nhà cửa và nấu 1 bữa cơm tối lương trả 2,5 triệu ăn ở với chủ luôn. Thậm chí, chị Hạnh còn cho người giúp việc làm thêm giờ ở nhà bên cạnh để có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng Tết xong rồi gọi điện cho người giúp việc vào cũng còn hẹn hò qua rằm tháng giêng (06/02) mới vào.

Mỗi dịp lễ tết, nghề giúp việc lại đắt đỏ và khó tìm người. Ảnh: Đức Toàn

Đối với gia đình anh Tuấn chị Mai (quận 3, TP.HCM) thì đứng ngồi không yên đang không biết xoay xở cách nào để kiếm được ôsin làm mấy ngày đầu năm. Anh chị đều phải đi làm hai đứa con không có người trông mà ô sin thì đã thông báo trước phải qua rằm mới lên được vì còn phải ở quê cúng bái tới qua rằm mới lên được.

Chị Mai chia sẻ: “Đầu năm nào tôi cũng đau đầu vì lo chuyện người giúp việc. Hai cô giúp việc nhà tôi thì năm nào cũng qua rằm tháng giêng mới lên. Các cô ấy nói đầu năm thì mồng 8 cúng sao, mồng 9 vía đất, mồng 10 vía trời rồi cúng rằm xong nữa mới đi được.

Mình cũng cần lắm nhưng các cô ấy nói đi cả năm rồi, những ngày cúng đó phải ở nhà cúng tổ tiên ông bà xong mới đi được. Lúc đó mình còn biết nói sao nữa. Gọi điện tới trung tâm thì cũng hiếm ô sin mà mướn mấy ngày về chưa quen công việc lại đi cũng khó. Nên vợ chồng tôi chia nhau ra nghỉ phép ở nhà giữ con chờ ô sin lên”.

Ô sin làm giá

Cứ vào dịp cuối năm và đầu năm thì tình trạng khan hiếm ô sin và “cơn sốt” ô sin lại tái diễn. Phần lớn những người đi làm ô sin chưa xác định đây như là một nghề, họ chỉ coi như công việc làm thêm, làm tạm ít thời gian vì lý do này hoặc lý do khác. Nên họ không hề lo mất việc nên thích thì làm không thích thì nghỉ. Ngoài ra giữa họ và gia chủ cũng chẳng có chút ràng buộc pháp lý nào.

Cuối năm họ thích thì về sớm, đầu năm họ thích thì đi làm sớm không thích thì đi muộn chẳng gia chủ nào phạt hay kỷ luật được họ. Hoặc đây cũng là chiêu đòi tăng lương của các ô sin. Gia chủ thì cần người làm họ biết được cứ viện lý do này lý do khác hoặc ậm ờ không chịu đi, nhiều gia chủ cần thì phải tăng lương cho họ.

Còn những ô sin làm theo giờ không ăn ở với chủ chuyên nghiệp hơn thì cũng dựa vào cơ hội này để đòi tăng giá. Những người này thì họ sẵn sàng làm sớm từ mồng 4 Tết nhưng để trả cho một ngày công của họ có khi còn cao hơn cả lương của một công chức bình thường. Lương của họ được tính theo giờ dao động từ 15-30 ngàn đồng giờ.

Chị Thanh vẫn còn tiếc rẻ khi nói đến chuyện thuê ô sin: “Xót ruột lắm nhưng cũng phải cắn răng mướn ô sin theo giờ  trong 4 ngày để chờ ô sin cũ lên. Tôi làm lương có 5 triệu/tháng, trong khi 4 ngày đầu năm tôi phải trả  ô sin 200 ngàn/ngày để trông con 8 tiếng. Tính ra lương của tôi chưa đủ trả cho ô sin nhưng cũng phải chấp nhận thôi. Công việc thì không bỏ được mà ô sin cũ thì nhất định không chịu lên sớm.

Để giữ chân ô sin cũng không phải là việc đơn giản nhưng cũng không phải là việc quá khó. Theo chị Hồng Thắm người đã giữ chân ô sin được 5 năm liền và năm nào ô sin cũng lên đúng hẹn cho biết: “Mình phải hiểu được tâm lý người giúp việc, mình cũng phải tôn trọng họ coi đây như là một công việc chính đáng. Ngoài ra mình cũng nên giữ mối quan hệ tốt với gia đình họ như thăm hỏi người thân ốm đau, tặng quà chia sẻ với họ… thì chắc chắn khi mình cần họ sẽ không bỏ”.