Ba tháng sau “cú sốc S&P”, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lại một lần nữa phải tiếp nhận tiêu cực từ động thái “can thiệp thô bạo” của Fitch Ratings.
Người ta có thể tự hỏi vì sao cả hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm về tín dụng có tiếng trên thương trường quốc tế trên lại đồng lòng đánh tụt hạng HAG từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”. Hành động mang tính hệ thống như thế lại xảy ra tiếp nối nhau, với cùng cách nhìn và phân tích như nhau.
Mặc dù người đứng đầu của HAG là ông Đoàn Nguyên Đức đã có một động tác phản ứng nhẹ nhàng khi cho rằng Fitch Ratings “quá xa Việt Nam”, nhưng với những người Việt có cự ly đủ gần HAG thì chắc phải hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết. Với giới đầu tư bất động sản, sự tồn vong của HAG còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Được xem là cánh chim đầu đàn trong số các doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam, nhưng HAG đã biểu lộ như một chỉ báo không quá sáng lạn về thị trường. Mà điều này không đối với chỉ HAG, mà về toàn bộ lĩnh vực BĐS Việt Nam trong những năm tháng sắp tới.
Ngã ba đường
Nếu Standard & Poor – tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có ảnh hưởng khá lớn đến cả chính phủ Mỹ và Phố Wall, đã quyết định hạ HAG từ “B” xuống “B-” vào tháng 12/2011, thì chỉ vài tháng trước đó, hàng loạt thông tin bất ổn đã từ HAG đã tỏa ra khắp thị trường.
Bất chấp những con số mơ hồ, hoàn toàn không được kiểm chứng về 2.400 tỷ đồng hay 2.800 tỷ đồng mà HAG tuyên bố là lượng tiền mặt sẵn có trong tài khoản ngân hàng, đưa HAG trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu quốc gia về vị trí “vua”, hiện tượng doanh thu BĐS giảm sút quá đột biến trong nửa cuối năm 2011, kèm theo nghi vấn về nợ thuế đã là những nhân tố làm tiêu tan sự trấn an của HAG đối với dư luận.
Trong thực tế, con số 150 tỷ đồng mà HAG còn nợ Chi cục thuế Gia Lai, hay thậm chí số tiền 500 tỷ đồng mà HAG vay nợ BĐS từ ngân hàng BIDV không phải là quá lớn so với tài sản của tập đoàn này. Tuy nhiên, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của HAG lại chính là việc lần đầu tiên tập đoàn này được “minh bạch hóa” bằng số thuế được “ân hạn”. Cho dù vào cuối tháng 3/2012, HAG có thực hiện được cam kết của mình là sẽ thanh toán toàn bộ số nợ vay cho BIDV nhưng điều đó không thể xóa hết lo ngại.
Tất nhiên, giới đầu tư và dư luận hoàn toàn có thể cảm thông với bối cảnh bi quan của HAG, lồng trong tình trạng không thể gọi là lạc quan của toàn bộ thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2011. Số lượng căn hộ còn tồn đọng của HAG cũng chỉ là một đóng góp nho nhỏ cho thực trạng ế thừa căn hộ trung – cao cấp phổ biến trên hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Trong bầu không khí quá đỗi trầm lắng và cả trầm uất như vậy của thị trường BĐS thì với HAG hay những doanh nghiệp khác như Phát Đạt, Quốc Cường Gia Lai, Sông Đà Thăng Long… có rất nhiều rủi ro đều phải được tính đến. Dù đó là những xác rất nhỏ. Đã không phải vô cớ mà vào năm 2011 đã lan truyền vài lần về tin đồn rất tiêu cực đối với HAG. Những tin đồn thổi có vẻ khá vô căn cứ này, thật chua chát, lại có một tác động không quá nhỏ bé đối với thị trường.
Chỉ có điều, khác với rất nhiều doanh nghiệp BĐS khác, HAG lại đặc trưng bởi sắc thái đầu tư ra nước ngoài. Thực tế đầu tư số lượng lớn ở Campuchia và Lào, ấp ủ kế hoạch đưa cổ phiếu HAG niêm yết tại một sàn giao dịch chứng khoán có tiếng trên thế giới…, nhưng thực tế cho đến nay, doanh thu của HAG từ những lĩnh vực không phải là BĐS vẫn còn nhỏ nếu so với nhà đất.
Thời cuộc sẽ thay đổi?
Đó cũng là lý do và có thể cả cái cớ để những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như S&P và Fitch Ratings “nhúng mũi” vào “chủ quyền nội bộ” của HAG. Xét ra, sự can thiệp này có thể không quá cần thiết, thậm chí chẳng có ý nghĩa nào đáng kể khi Việt Nam chỉ là một quốc gia nhỏ trong khối các nước đang phát triển, và HAG còn nhỏ hơn nữa.
Tuy vậy, vẫn có một hàm ý nào đó liên quan đến việc ông Đoàn Nguyên Đức dự liệu việc ông sẽ trở thành tỷ phú đô la vào năm 2014. Nếu điều này trở thành hiện thực, dĩ nhiên ông Đức sẽ nằm trong số hiếm hoi những tỷ phú đô la đầu tiên ở Việt Nam.
Sự khó hiểu còn lại của HAG, mà có lẽ liên quan đến cách nhìn nhận và đánh giá của S&P và Fitch Ratings, là cùng với mục tiêu tỷ phú đô la, HAG cũng dự định “chia tay” lĩnh vực kinh doanh BĐS từ năm 2013 hay 2014. Và nếu kế hoạch này “khả thi”, cùng với hiện trạng nhiều khó khăn của HAG, nhiều người sẽ dễ hình dung ra một thất bại có tính tương đối của HAG trong BĐS từ vài năm trước đây.
Với một người luôn tự hào là “nhạy cảm về thời cuộc” như Đoàn Nguyên Đức, thất bại đó hẳn đã khiến ông rút ra một quyết định tối quan trọng về đường hướng kinh doanh trong tương lai của mình – có lẽ cũng là một cơ sở quan yếu để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhận định và dự báo về triển vọng của thị trường BĐS Việt Nam, trong đó có liên quan mật thiết đến hệ thống ngân hàng.
Sự kiện mới đây một ngân hàng Việt Nam là Vietinbank bị S&P hạ bậc tín nhiệm “tiêu cực trong dài hạn” là một ví dụ điển hình cho điều được gọi là “triển vọng’ trên.