Trang chủ » Kinh tế 24h » Ngành điện tỏ lòng chuyện ghi nhầm số điện

Ngành điện tỏ lòng chuyện ghi nhầm số điện

Tác giả:

Lỗi do… “ông trời”

Trả lời PV. VietNamNet, đại diện EVN Hà Nội cho hay năm nay thời tiết nắng nóng sớm hơn mọi năm, đặc biệt, nhiệt độ tăng cao vào từ trung tuần tháng 5 và kéo dài sang tháng 6 khiến việc tiêu thụ điện tăng cao đột biến. Các hộ gia đình đã sử dụng nhiều thiết bị làm mát như quạt, điều hòa.

Cụ thể, sản lượng điện ngày cao nhất của năm 2013 tính đến thời điểm này là 16/5, với tổng mức tiêu thụ toàn thành phố là 48,8 triệu kWh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt ngày cao nhất của năm 2012 là 6,8 triệu kWh.

Phía điện lực Hà Nội cũng lý giải, sản lượng điện tiêu thụ của điều hoà phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ môi trường. Vì vậy, sản lượng điện tiêu thụ của đa số phụ tải trong tháng qua (vốn là tháng nóng đỉnh điểm) tăng nhiều so với các tháng có thời tiết mát hơn.

{keywords}

Chẳng hạn, trong tháng 5 và tháng 6/2013, Hà Nội liên tục có các đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao đột biến từ 13-17/5. Đỉnh điểm là ngày 16/5/2013, nhiệt độ nhiều khu vực ở Hà Nội lên đến trên 40oC, sản lượng điện đạt 48.800 MWh, tăng 20% so với ngày cùng kỳ năm 2012. Nắng nóng tiếp tục hết tháng 5 và kéo dài cho đến 10 ngày đầu của tháng 6/2013. Cùng với đó là sản lượng điện tiêu thụ của phụ tải Hà Nội cũng tăng đột biến, đặc biệt là khu vực khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp.

Có sai sót khi ghi chỉ số công tơ

Về trường hợp các hộ gia đình ở Hà Nội nghi ngờ nhân viên phía điện lực cố ý ghi nhầm số điện để ăn chêch lệch giá, EVN Hà Nội biện minh rằng họ là doanh nghiệp nhà nước, kết quả sản xuất kinh doanh được hạch toán theo đúng các chuẩn mực kế toán và hàng năm đều được kiểm toán đầy đủ. Vì vậy, các cán bộ nhân viên của tổng công ty không thể “ăn chênh lệch giá” được.

“Với các trường hợp công tơ có sản lượng bất thường, điện lực Hà Nội đều kiểm tra phúc tra lại nên không thể xảy ra việc ghi nhầm chỉ số hàng loạt. Nếu ghi nhầm chỉ số, nhân viên ngành điện sẽ bị kỷ luật theo đúng các quy định của nhà nước và của ngành”.

Còn những trường hợp bị nghi nhầm số và đã khiếu nại, EVN Hà Nội cho hay do sử dụng công tơ cơ khí nên việc ghi số điện vẫn phải thực hiện bằng tay. Việc xảy ra nhầm lẫn là rất hiếm, song cũng có thể xảy ra và phía nhà cung cấp nhân đây cũng xin lỗi khách hàng về những sai sót này. Sau đó, công ty sẽ sửa, in lại hoá đơn và trả lại tiền cho khách hàng/hoặc trừ vào tiền điện tháng sau.

Trước đó, hơn 200 độc giả phản ảnh tới VietNamNet kêu ca về tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng đột biến, cao gấp đôi tháng trước đó trong khi nhiều hộ không sử dụng thêm thiết bị gì. Sự việc này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà còn thấy ở Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM, Cà Mau… Nhiều ý kiến nghi ngờ liệu có sự nhầm lẫn trong việc ghi chỉ số công tơ điện hoặc nhầm lẫn trong cách tính tiền hay không. Thậm chí, có độc giả còn kiến nghị cần thay đổi phương thức mua bán điện; đồng thời thanh tra ngay lập tức và thật khách quan việc tăng giá đột biến vừa qua để giải quyết triệt để, thấu đáo vụ việc.