Nhiều rắc rối tiếp tục phát sinh sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại quốc tế Anh Quân có trụ sở tại quận Tây Hồ, Hà Nội- chuyên kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh cho biết: “Kể từ khi Luật quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, chúng tôi đã làm thủ tục xin cấp bảo lãnh nộp thuế tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi nhánh Hà Nội. Toàn bộ tài sản của công ty chúng tôi đều đã được thế chấp tại ngân hàng để được cấp hạn mức bảo lãnh nộp thuế.
Tuy nhiên, ngày 13/8, khi chúng tôi làm thủ tục hải quan tại các chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng, cán bộ hải quan lại căn cứ theo công văn 6615 của Cục hải quan TP Hải Phòng, yêu cầu công ty phải nộp thuế tạm nhập trước, và sẽ hoàn thuế khi tái xuất”.
“Công văn này được thực hiện ngay trong ngày 13/8. Vì vậy, công ty chúng tôi hoàn toàn bị động, không thể thu xếp đủ lượng tiền mặt từ 2-3 tỷ đồng một ngày để nộp thuế ngay. Hàng hóa không được thông quan, làm phát sinh chi phí lưu cont rất lớn. Do số lượng cont nhiều, riêng chi phí cắm điện cont lạnh và chi phí lưu cũng tốn 4-5 triệu đồng/ngày, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp”, công ty Anh Quân than phiền.
Hàng hóa dễ bị ách tắc vì thủ tục hải quan rườm rà (ảnh mang tính min họa: theo haian) |
Điều khiến doanh nghiệp này bất bình là, Luật cho phép chấp nhận bảo lãnh nhưng hải quan lại không chấp nhận!
Dẫn chứng cụ thể, công ty cho hay: “Tại điều 42 của Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế nêu rõ, trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh nộp thuế thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm nhập tái xuất và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh”.
Không chỉ rắc rối ở tấm vé thông quan, các doanh nghiệp còn bị đình trệ hoạt động bởi việc nộp tiền thuế bằng tiền mặt bị quá tải.
Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hà Thành, trụ sở tại Hà Nội, cũng kinh doanh hàng thực phẩm đông lạnh kể: “Việc nộp thuế vào tài khoản của các chi cục Hải quan TP Hải Phòng đều được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước. Vì vậy, việc thu tiền mặt tại đây bị quá tải, các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để nộp khiến việc thông quan càng bị chậm trễ, hàng hóa càng ách tắc tại cảng”.
“Ngoài ra sau khi nộp tiền mặt, thời gian để hoàn thuế cũng từ 20-30 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quay vòng vốn lưu động”, công ty Hà Thành chia sẻ.
Nhận được phản ánh này, Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm, rắc rối nằm ở việc hướng dẫn thủ tục nộp thuế của hải quan. Bộ cho hay, Cục Hải quan Tp Hải phòng hướng dẫn tại công văn số 6615 ngày 12/8: “doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất phải tạm nộp thuế vào tài khoản tiền gửi của các cơ quan hải quan mở tại Kho bạc, khi tái xuất sẽ được hoàn trả”.
“Hướng dẫn như vậy được hiểu là cơ quan hải quan không chấp nhận bảo lãnh nộp thuế của ngân hàng. Việc này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất, khi phải huy động lượng lớn tiền mặt để nộp thuế, thời gian hoàn thuế lại từ 25-30 ngày “, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Do đó, Bộ Công Thương đã gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn lại, cho phép doanh nghiệp được bảo lãnh nộp thuế khi kinh doanh tạm nhập tái xuất, xem xét đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp.