Trang chủ » Kinh tế 24h » Điểm nóng » Hé lộ về ‘quyết định lịch sử’ của Bộ Công Thương

Hé lộ về ‘quyết định lịch sử’ của Bộ Công Thương

Tác giả:

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tuyên bố sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh – con số mà Bộ này cho là “lớn nhất trong lịch sử ngành Công Thương”. Soi kỹ 675 điều kiện dự kiến cắt giảm này lại thấy nhiều điều rất bất ngờ.

Phương án cắt giảm những điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đang thực hiện được DN quan tâm khi sẽ góp phần đơn giản hóa được nhiều điều kiện không hợp lý.

Chẳng hạn trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 19 về kinh doanh khí, gas, những vấn đề DN gas kêu nhiều nhất đã được Bộ Công Thương bãi bỏ. Cụ thể đối với thương nhân phân phối khí, dự thảo nghị định mới nhất đã bãi bỏ các điều kiện kinh doanh liên quan như: phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối cho phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Ngoài ra, tại phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh liên quan đến hoạt động sở giao dịch hàng hóa, nhượng quyền thương mại, Bộ Công Thương cũng dự kiến không yêu cầu những vấn đề liên quan đến bằng cấp.

Trong việc sửa đổi các điều kiện liên quan kinh doanh thuốc lá, xăng dầu… những yêu cầu can thiệp sâu vào hoạt động của DN cũng được dỡ bỏ phần nào.

Sáp nhập nhiều điều kiện thành 1 điều kiện

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, đã bày tỏ băn khoăn với PV.VietNamNet xung quanh tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh.

Trong số 675 điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm, thì có tới 215 điều kiện thuộc lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Công Thương, cụ thể là giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ.

Lĩnh vực Kinh doanh thực phẩm có tới 350 điều kiện kinh doanh, tập trung tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP. Theo ông Trương Thanh Đức, để cắt giảm 215 điều kiện, Bộ Công Thương sử dụng cách sáp nhập nhiều điều kiện với nhau thành 1.

Ví dụ, Điều 26. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất:

1. Địa điểm, môi trường:

a) Có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm, các khu vực phụ trợ và thuận tiện cho hoạt động sản xuất, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; b) Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; c) Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; d) Không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.

Bộ Công Thương cắt giảm bằng cách: đưa điểm c, d vào điểm b để hợp thành 1 điều kiện là “Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; Không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác”.

Tương tự phần điều kiện về Thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm có 5 điều kiện con, Bộ Công Thương muốn giảm bằng cách nhập 3 điều kiện lại vào với nhau. Như thế chỉ còn 2 điều kiện, trong khi thực tế 5 điều kiện ấy không hề mất đi.

Có rất nhiều điều kiện được “cắt giảm” bằng cách sáp nhập các điều kiện như trên. Chẳng hạn quy định về hệ thống thông gió; hệ thống chiếu sáng; hệ thống cung cấp nước, hệ thống xử lý chất thải, rác thải; điều kiện đối với bảo quản thực phẩm trong sản xuất thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở kinh doanh,…

Ngoài ra, những điều kiện bao gồm 5-6 gạch đầu dòng thì được gộp lại chỉ còn 1 gạch đầu dòng. Nhờ đó, số điều kiện kinh doanh được tính là đã cắt giảm.

Phần được tính toán cắt giảm nhiều nhất liên quan đến các điều kiện riêng với dầu thực vật, bia, sữa,… chỉ giữ lại những quy định đặc thù của từng ngành, nghề. Nhưng thực tế phần lớn điều kiện với dầu thực vật, bia, sữa đã được quy định tại “điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất thực phẩm”.

Cho nên dù có cắt giảm điều kiện ở mục riêng thì DN vẫn phải thực hiện theo những quy định chung để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, có những quy định được cắt giảm không có tác dụng gì với DN. Ví dụ như Điều kiện đối với thiết lập website thương mại điện tử bán hàng tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Bộ  Công Thương quyết cắt 8/21 điều kiện kinh doanh.

Giấy phép con quá nhiều làm khó doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương cắt bỏ những điều kiện mà hiển nhiên DN phải có, không cần quy định trong văn bản pháp luật. Chẳng hạn yêu cầu “có website và tên miền hợp lệ, và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet”. Rồi phải có “cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ”.

“Những quy định này không cắt thì DN vẫn phải thực hiện vì làm thương mại điện tử mà không có tên miền không thể hoạt động được”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Cắt giảm phải thực chất

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công cho biết cũng đã nhận ra nhiều điểm đáng băn khoăn liên quan số lượng điều kiện kinh doanh Bộ Công Thương tuyên bố cắt giảm.

Ông Nguyễn Quang Đồng đánh giá: Ngoài số lượng, quan trọng hơn cần chú ý đến chất lượng nữa. Việc cắt giảm phải đi vào thực chất, nghĩa là cắt giảm những điều kiện “làm khó” DN chứ không nên chạy theo số lượng, trong khi những “nút thắt” chính yếu làm khó DN thì vẫn còn tồn tại lại.

Ví dụ, trong điều kiện kinh doanh về xuất khẩu gạo, dự thảo sửa đổi của Bộ Công Thương hiện nay đã bãi bỏ nhiều thủ tục, nhưng 2 vấn đề cốt yếu: kho chứa, và bắt buộc dự trữ thì “sửa chưa tới”.

Ông Trương Thanh Đức cho rằng: Tuyên bố cắt giảm từng ấy điều kiện kinh doanh nhưng thực chất giảm được bao nhiêu giấy phép thì lại là chuyện khác. Có thể trước 1 giấy phép làm 10 động tác thì giờ 5 động tác, nhưng về cơ bản vẫn từng ấy giấy tờ. Như thế thì không có nhiều ý  nghĩa nữa.

Để giải quyết tận gốc vấn đề “Giấy phép con“, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng: Trước mắt Chính phủ cần bãi bỏ, cắt giảm, sửa đổi càng nhanh càng tốt một số lượng lớn quy định hành chính hiện hành. Trong ngắn hạn, việc làm này sẽ cởi bỏ gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

“Cắt giảm là cần thiết, nhưng chưa phải là cái gốc của vấn đề. Bởi, kinh nghiệm cho thấy, thường thì cắt giảm được 1 giấy phép, có đến 10 giấy phép khác sẽ lại ‘mọc’ ra. Vì vậy giám sát việc ban hành văn bản đóng vai trò quan trọng không kém cắt giảm”, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.

Lương Bằng