Vượt qua hơn 400 tác phẩm dự thi, “Việt Nam – Sự khác biệt Á Đông” đã giành giải nhất trong cuộc thi “Sáng tác tiêu đề – biểu tượng cho chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015” do Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức và công bố tối 26/1.
Cùng với tiêu đề đó, biểu tượng thắng cuộc là ngôi sao 5 cánh, lấy cảm hứng từ lá cờ Tổ quốc. Ngôi sao cách điệu đa màu sắc, thể hiện sự phong phú, đa dạng của du lịch Việt Nam: màu đỏ từ cờ Tổ quốc, màu xanh từ cánh đồng lúa, xanh lam từ biển, xanh đậm của núi rừng, tím màu hoa sen và vàng từ kiến trúc cổ.
![]() |
Biểu tượng và tiêu đề mới (dự kiến) của du lịch Việt Nam. |
Mark Winterton, đại diện công ty Cowan, đơn vị thiết kế biểu trưng này cho biết: “Thực ra, câu slogan này được xây dựng dựa trên khảo sát với đối tượng khách hàng tiềm năng. Theo khảo sát của chúng tôi thì họ muốn thực sự được hòa mình và tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo.”
Việt Nam là một điểm đến khác biệt, ngay cả trong châu Á và cả toàn thế giới. Và Việt Nam cũng có một vị trí chiến lược rất đặc biệt. Từ different (khác biệt) ra đời với ý nghĩa đó. Còn “Orient”, cũng có nghĩa là châu Á nhưng nó còn chỉ phương hướng, tức là thế giới hướng về phương Đông. Hai từ này kết hợp với nhau tạo thành một cách nhìn mới mẻ cho du lịch Việt Nam.
“Các bạn vẫn là một Phương Đông, nhưng rất khác biệt và thu hút du khách,” ông Winterton nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng việc thay logo và slogan mới là phù hợp với một chiến lược xúc tiến mới.
“Logo, slogan của du lịch Việt Nam trước kia (Vẻ đẹp tiềm ẩn-PV) được xây dựng trong thời điểm chúng ta chưa hội nhập với thế giới, chưa chủ động nên có gì đó còn e ấp, còn che giấu,” ông Cường cho biết. “Nhưng bây giờ hội nhập chúng ta phải chủ động và trong hội nhập, du lịch là kinh doanh. Kinh doanh là tuyên truyền, phải chiến đấu, phải chủ động mạnh hơn, không thể đứng chờ người ta đến mà mình phải tấn công, chủ động để giành thắng lợi.”
Slogan và logo mới này sẽ phải được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cùng các cơ quan có thẩm quyền duyệt trước khi chính thức trở thành đại diện cho du lịch Việt Nam.
Giai đoạn 2 là giới thiệu, xúc tiến thương hiệu, logo, slogan của du lịch Việt Nam.
“Trước đây chúng ta chỉ chọn lựa logo và slogan, thiếu hẳn xúc tiến, giới thiệu thương hiệu này. Lần này, khi được chọn, các nhà có tác phẩm này sẽ trình bày và tổ chức thực hiện,” ông Cường cho biết.
Bạn nghĩ gì về slogan và logo giành giải nhất? Theo bạn, nó có phù hợp với du lịch Việt Nam và thu hút khách quốc tế? Các hoạt động quảng bá, xúc tiến nên được tổ chức đồng bộ như thế nào với logo và slogan mới này? Mọi ý kiến trao đổi xin mời nhập vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về [email protected]