Trang chủ » Kinh tế 24h » Giá xăng dầu: Người dùng thêm khó, DN chưa hài lòng

Giá xăng dầu: Người dùng thêm khó, DN chưa hài lòng

Tác giả:

Doanh nghiệp vẫn kêu lỗ

“Được” tăng giá xăng dầu đúng như nguyện vọng nhưng các doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thấy thỏa mãn. Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chỉ  bày tỏ: “Không thể hòa vốn được vì chúng tôi lỗ nhiều hơn thế”.

Trong khi đó, đại diện SaigonPetro đưa ra nhận định: “Liên bộ Tài chính- Công Thương đã tính toán tương đối sát thực tế. Tức là, với việc tăng 2.100 đồng/lít xăng và tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn ở mức 300 đồng/lít, giá cơ sở dựa trên giá bình quân 30 ngày qua đã hòa vốn.  Nhưng nếu tính trung bình 10 ngày gần đây thì giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ hiện hành”.

Vị đại diện của SaigonPetro e dè cho rằng: “Xem như, doanh nghiệp sẽ không lỗ ở thời điểm hiện tại. Nhưng khoản lỗ trước đó thì coi như treo”.

Theo ước tính của các doanh nghiệp, đây là khoản lỗ không hề nhỏ. Suốt thời gian dài vừa qua, mỗi lít xăng dầu bán ra đã lỗ hơn 2.400 đồng/lít. Từ ngày 19/1, Bộ cho phép xả mạnh Quỹ bình ổn, một lít xăng được bù tới 1.400 đồng/lít nhưng vẫn không thấm vào đâu so với mức lỗ mà doanh nghiệp phải chịu. Sau các động thái này, mỗi lít xăng dầu vẫn tiếp tục lỗ 600- 800 đồng/lít.

Người dân chờ mua xăng với giá mới. (Ảnh: Hoàng Lộc)

SaigonPetro cho biết, trung bình một tháng sản lượng tiêu thụ mặt hàng xăng của công ty là 40 triệu lít. Nếu trung bình lỗ 600 đồng/lít, tổng mức lỗ một tháng đã là 24 tỷ đồng. Vì lẽ đó, đợt tăng giá xăng dầu này tuy là mức rất mạnh, gây sốc cho người dân nhưng không có nghĩa là bù đắp được khoản lỗ trước của doanh nghiệp.

“Thông thường, các doanh nghiệp sẽ lấy lãi thời kỳ sau để bù lỗ thời kỳ trước, nhưng thật khó mà chúng tôi được lãi tới 600 đồng/lít như mức lỗ. Ở điều kiện kinh doanh bình thường, sau khi trừ các chi phí, các doanh nghiệp thường chỉ lãi khoảng 100-200 đồng/lít. Vì giá bán lẻ được tăng, có thuận lợi thì doanh nghiệp phải tăng thù lao cho đại lý, nếu giá có lãi hơn, Bộ sẽ yêu cầu phải giảm giá”, vị này cho hay.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2012 giá xăng dầu thế giới đã tăng mạnh và tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng gần đây. Điều này làm cho giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời tạo chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng. Nếu kéo dài tình trạng trên sẽ khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, việc điều chỉnh xăng dầu lần này thực hiện đã được liên bộ Tài chính – Công Thương thống nhất trên cơ sở Thông tư 234 hướng dẫn cơ chế hình thành quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, nếu  tính đủ thuế theo Barem thuế thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng từ 4.200 đồng/lít đến 6.500 đồng/lít tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu. Mức điều chỉnh trên đây mới chỉ bằng từ 12,56% -40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, giá xăng dầu tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 84. Nếu giá thế giới tăng, thì điều chỉnh giá trong nước; nếu giá thế giới giảm thì giảm sử dụng Quỹ bình ổn giá, khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý nếu còn dư địa thực hiện giảm giá bán. Đồng thời, Liên bộ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hoá, dịch vụ khác không hợp lý; tích cực thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu của Chính phủ trong sản xuất và tiêu dùng.

Dân toát mồ hôi vì xăng tăng giá

Mấy ngày nay, việc tăng giá xăng dầu đã được đồn đoán trong dân chúng, nhưng người dân vẫn không thể  bớt sốc khi Bộ Tài chính công bố chính thức mức tăng hơn 2.100 đồng/lít. So với trước đây, mức tăng này không phải là cao nhất nhưng nó đã đẩy giá xăng bán lẻ giờ đây đạt kỷ lực cao chưa từng thấy, 22.900 đồng/lít, xấp xỉ ngưỡng 23.000 đồng/lít.

Theo ghi nhận tại Hà Nội, nhiều người dân tỏ ra khá bất ngờ với thời điểm tăng giá xăng dầu. Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng có hiệu lực khoảng 15 phút, các cửa hàng bắt đầu dừng hoạt động bán hàng để thực hiện niêm yết, kiểm kê dẫn đến tình trạng ùn tắc ở các cây xăng và đến 16h15 nhân viên mới bán hàng trở lại.

Một nhân viên cây xăng trên đường Cầu Giấy cho biết, mấy ngày qua đã có thông tin sẽ tăng giá xăng nhưng thời điểm tăng giá vào lúc 16h khiến nhân viên khá bất ngờ, thông thường giá xăng sẽ được điều chỉnh vào buổi tối và người dân sẽ dễ nắm thông tin hơn.

Động tác điều chỉnh quen thuộc báo hiệu làn sóng tăng giá mới. (Ảnh: Hoàng Lộc)

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ, thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã tiết lộ, nếu tính cả việc sử dụng Quỹ bình ổn thì giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở 1.000 đồng/lít, nếu chưa tính yếu tố này, mức chênh lệch là trên dưới 2.000 đồng/lít.

Thông tin này đã khiến nhiều người dân chuẩn bị tâm lý rằng, giá xăng dầu sẽ chỉ tăng trên dưới 1.000 đồng/lít, bằng một nửa so với quyết sách thực tế của Bộ Tài chính.

Anh Phạm Văn Thành, một chuyên viên làm việc tại Trung tâm Điều hành bay, Tổng công ty hàng không Việt Nam giãi bày: “Nhà tôi ở Cầu Giấy, cơ quan thì ở tận đường Nguyễn Văn Cừ, đi qua cầu Chương Dương, cách tới khoảng 15 km. Mỗi lần tăng giá xăng dầu là thấy toát mồ hôi. Vì tiền xăng cho hơn 30 km đi lại mỗi ngày tăng không hề nhỏ”.

Nhẩm tính một cách đơn giản, năm 2011, giá xăng dầu cũng đã có 2 lần tăng rất sốc, lần 1 tăng tới 2.900 đồng/lít vào ngày 24/2/2011 và lần 2, tăng 2000 đồng/lít vào ngày 29/3/2011. Nhưng khi giảm, giá xăng chỉ giảm rất nhẹ từ 500-1000 đồng/lít. Diễn biến này đã khiến nhiều người dân lo ngại, một mặt bằng giá xăng dầu mới đã được thiết lập và thật khó trông chờ sẽ có cơ hội giảm ngược lại tới 2.000 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: “Lý do khách quan là giá thế giới tăng thì điều chỉnh giá xăng dầu là cần thiết. Tuy nhiên, người dân mong đợi Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét cẩn trọng việc tăng giá xăng dầu trên cơ sở đứng về phía người dân, đứng về phía xã hội”.

Bà Phạm Chi Lan băn khoăn: “Tôi chỉ thấy buồn là hầu hết, thông điệp điều hành giá xăng dầu mang thiên hướng ủng hộ doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, nói hộ cho doanh nghiệp”.

Theo phân tích của vị chuyên gia kinh tế này, mỗi khi cho tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính thường hay thông tin rằng, mức tăng như vậy vẫn chưa đủ, doanh nghiệp vẫn lỗ. Nói vậy, tức là giá xăng dầu còn phải tăng nữa. Điều này thật đáng lo ngại vì nhưng tác động của giá xăng dầu vào lạm phát vẫn còn chưa được tính đủ, nhất là tác động tới đời sống người dân ở vòng 2, vòng 3.

Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền giảm thu Ngân sách Nhà nước do thuế suất thuế nhập khẩu thấp xăng dầu hơn so với Barem quy định để giữ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2011 ước khoảng 20.000 tỷ đồng, trong 2 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 3.900 tỷ đồng.

Nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 2 với giá xăng dầu thế giới bình quân làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 10/10/2011, mức tăng đều rất cao. Cụ thể là xăng: 6,97%;  dầu điêzen 9,68%, dầu hỏa 8,56%, madut 12,79%, dầu thô 21,73%. Đáng chú ý là những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3  giá đã tăng mạnh và tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng gần đây.

Để giải quyết tình hình trên, trong khi các giải pháp tài chính khác không còn nên cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh giá để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh.