Trang chủ » Kinh tế 24h » Lò chế thịt siêu bẩn

Lò chế thịt siêu bẩn

Tác giả:

Theo chỉ dẫn của ông M, từ Tam Đa, Bắc Ninh chúng tôi bám theo chiếc xe máy biển số 99k7-61XX vận chuyển mỡ, da lợn bẩn đi tiêu thụ. Hai bên hông, chủ xe chất hai bao tải, bên trên một bao và một bao để ở phía trước. Với kinh nghiệm của mình, ông M ước tính trên xe đó chở khoảng 4 tạ da, mỡ được thu mua từ vài ngày trước. Cũng theo ông M, những chiếc xe này sẽ theo hành trình Tam Đa – Cầu Hồ – Hưng Yên.

Xâm nhập lò chế bẩn

Chiếc xe lăn bánh, đến nhà bà N (cách điểm xuất phát 400m), ở đây hai xe máy biển số 99H3- 47XX và 99K3 14XX chất đầy bì, mỡ lợn chờ sẵn rồi nhập đoàn bắt đầu chở hàng đi tiêu thụ. Chúng tôi chia làm hai nhóm lặng lẽ bám theo sau.

Tuy nhiên, đến gần thành phố Bắc Ninh, hình như thấy động, những xe trên không chạy theo hành trình đã định mà đi theo hướng quốc lộ 1A rồi đột ngột dừng lại. Khi chúng tôi vượt mặt một đoạn xa, 3 xe trên vượt đường ngược chiều quay lại Bắc Ninh, sau đó rẽ vào cầu Hồ theo lịch trình cũ.

Chúng tôi lập tức quay lại, chạy theo hướng cầu Hồ, đuổi đến xã Tân Quang thì gặp được. Sau khi len lỏi vào vài ngõ ngách, hai chiếc xe rẽ vào nhà ông Q ở đầu làng và thực hiện giao dịch. Trước nhà ông Q, bì keo, mỡ mỏng để trên những phên tre phơi đầy đường hoặc ngoài đồng mặc cho ruồi muỗi bám. Trong sân, hàng trăm chiếc can loại 30 lít, 50 lít bày la liệt. Nền gạch bóng nhẫy mỡ lợn, nước than nhem nhuốc. Các loại da lợn, nước thải hoà tạo thành một tạp chất bốc mùi hôi khó tả.

Theo chân một người quen, chúng tôi xâm nhập vào được một lò chế bẩn. Chủ lò là ông C – một trong mười người chế biến da, mỡ lợn lớn nhất Tân Quang. Ban đầu ông C còn dò xét, nhưng sau vài câu chuyện làm quen, ông C đã cởi mở hơn. Khi chúng tôi đề nghị đi tham quan khu sản xuất, ông C đồng ý với điều kiện không được chụp hình.

Theo quan sát của chúng tôi, lò chế biến của ông C rộng khoảng 100m2, chia thành 3 khu gồm khu sơ chế, khu sản xuất và khu để sản phẩm đã chế biến. Khu ngoài cùng là khu sơ chế. Tại đây, từng đống da lợn được để la liệt dưới nền ximăng ẩm ướt, ruồi nhặng bâu đen đỏ, nhiều miếng da lợn đã xỉn màu.

Công nhân đổ da, mỡ lợn trên nền ximăng.

Ba nam công nhân đang thực hiện công đoạn sơ chế, họ không có quần áo bảo hộ lao động, không găng tay mà chỉ độc chiếc quần đùi, áo cộc, thậm chí một nam công nhân còn cởi trần làm việc. Đồ nghề làm việc của họ là miếng gạch hoa cũ kê trên nền ximăng làm thớt và con dao nhọn. Một tay ép chặt miếng da lợn, một tay cầm dao khẽ lách lấy những phần mỡ còn dính lại trên miếng da.

Họ làm thoăn thoắt, vừa cười đùa vui vẻ. Lột được ít mỡ nào, những công nhân này đẩy luôn ra ngoài nền sàn. Một người lấy chiếc hốt rác bằng sắt hốt số mỡ này cho vào chiếc chảo to đặt trên bếp lửa hồng. Mỡ sôi ục ục, một lát khô, người này vớt tóp mỡ để riêng, còn mỡ nước thì cho vào một chiếc xô sắt để nguội.

Ông C cho biết, da lợn sau khi được thu mua sẽ được phân làm hai loại. Loại một là những da lợn đã được lấy hết mỡ, loại hai là da lợn chưa lột mỡ. Sau khi phân loại, công nhân bắt đầu lựa chọn những miếng da loại hai lột riêng từng phần. Phần mỡ sẽ được rửa qua rồi cho tất cả vào chảo rán lấy mỡ nước để nguội rồi đổ vào can.

Mỡ nước được phân phối cho các nhà hàng, các bếp ăn tập thể ở tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Hà Nội… Phần tóp mỡ sẽ ép thành bánh rồi đem phơi khô để bán cho các cơ sở chăn nuôi cá.

“Cũng có một số công ty đóng trên địa bàn mua lại mỡ của các lò chế biến này nấu cho công nhân ăn” – ông C khẳng định.

Công nghệ tẩy trắng da lợn

Da lợn sau khi được lột mỡ thì đem cạo lông và cho vào một thùng phuy. Trước khi cho da lợn vào, nước trong thùng được pha cùng với hoá chất không màu, mùi hắc theo tỷ lệ 0,5m3 nước pha với 0,5 lít hoá chất. Ngâm được 2h thì vớt ra để ráo.

Cũng theo ông C, đây là hoá chất đặc biệt, dù da lợn hôi, thối thế nào nhưng sau khi ngâm thì lập tức biến thành màu trắng. Ông cũng bật mí rằng chất này có thể dùng để tẩy mốc quần áo. Da lợn được dùng để chế biến 2 sản phẩm, đó là bóng bì và bì keo. Sau khi làm sạch da lợn, công nhân sẽ đưa vào nồi nước sôi luộc chừng 15 phút thì vớt ra để ráo nước.

Tuỳ theo yêu cầu của khách hàng, da lợn sẽ được chế biến thành bì keo hoặc làm bóng bì. Nếu làm bì keo, chỉ cần mang đi phơi hoặc sấy khô, đóng bao và chở đi cho các đầu mối tiêu thụ. Nếu làm bóng bì, công nhân sẽ cho da lợn ướp một số hoá chất tạo màu, tạo mùi và cho vào lò. Sau 3h thì lấy ra, để nguội và đóng thùng. Sau đó xuất hàng cho các đối tác. Sản phẩm này được cung cấp cho các nhà hàng, đại lý các tỉnh thành trong cả nước và len lỏi vào các bữa cỗ của gia đình.

Mỗi ngày, một lò chế mỡ, da lợn bẩn như nhà ông C tiêu thụ khoảng 2 đến 3 tấn da lợn. Do đó, ông phải thiết lập mạng lưới cung cấp da lợn tại các tỉnh/thành trong cả nước. Để tạo điều kiện cho những người chuyên thu gom hàng, các lò chế thường trang bị cho họ từ 3 đến 4 tủ bảo quản lạnh. Khoảng 3 đến 4 ngày, những đầu nậu này sẽ chuyển sản phẩm về theo ôtô, xe khách hoặc vận chuyển bằng xe máy.

Cũng theo ông C, hiện trong làng có khoảng 10 đầu nậu đứng ra gom hàng của những lò chế da lợn. Như lò của ông C, ông vừa trực tiếp thu mua, sản xuất, vừa là đầu mối. Cứ khoảng vài ngày, những đầu nậu này lại chở một xe vài chục tấn sản phẩm đi tiêu thụ.

Sản phẩm bì keo, bóng bì được vận chuyển đi tiêu thụ tại Trung Quốc, Thái Lan và các địa phương khác trong cả nước. Với giá bán 40.000 đồng/kg bì keo và 50.000 đồng/kg bóng bì, tính ra, mỗi kilogram da lợn, sau khi trừ các chi phí, những người chế biến lãi 7.000 đồng. Nếu kiêm cả đầu nậu thì số lãi còn cao hơn nhiều.

“Chơi nhau”

Vì lãi lớn, nên hầu hết các chủ hàng rất cạnh tranh nhau cả nguồn cung và cầu. Vì thế chuyện các chủ hàng đánh nhau sứt đầu mẻ trán là chuyện thường. Đó là chưa kể các chủ hàng “chơi nhau” bằng cách báo cho lực lượng chức năng để chặn bắt.

Ông Ngô Văn Mộc – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.

Mới đây nhất, do cạnh tranh mối cung cấp tại Thái Nguyên, ông C và một chủ hàng tên K trong làng đã ẩu đả. Mỗi bên hơn chục người lên tận thị xã Sông Công dàn trận. Gậy gộc, tuýp nước đến dao đều có cả. Trận hỗn chiến kết thúc mà không bên nào giành được thắng lợi, đến giờ vẫn còn kỵ nhau.

Ông Ngô Văn Mộc – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quang – làm động tác bất lực. Do lợi nhuận quá lớn nên số hộ tham gia sản xuất kinh doanh phụ phẩm từ động vật này càng tăng. Hiện cả xã có 250 hộ chuyên chế biến mỡ bẩn, bì bẩn thành bóng bì, tập trung chủ yếu ở thôn Bình Lương. Tuy nhiên, hầu hết những hộ này đều không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cách đây gần 2 tháng, công an môi trường tỉnh Hưng Yên đã bắt một xe chở 15 tấn bóng bì, tóp mỡ của ông Đỗ Như Cót – Trưởng thôn Bình Lương. Kết quả kiểm tra cho thấy, bên trong nhiều bánh tóp mỡ đã bốc mùi, một số còn có dòi. Lực lượng chức năng đã tiêu huỷ và xử phạt hành chính đối với hộ ông Cót.

“Chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến các cơ quan chức năng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng người dân không nghe mà vẫn lén lút sản xuất” – ông Mộc nói.