Mua hạn chế, ăn e dè
Mặc dù cúm A/H7N9 chưa xuất hiện ở Việt Nam, dịch cúm gia cầm trong nước đã được kiểm soát, song những thông tin về dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang lây lan rộng, số người tử vong tăng lên vẫn khiến người dân hoang mang lo lắng, e dè khi sử dụng các loại thịt gia cầm.
Chị Trần Thị Bích Liên ở ngõ 1050 đường Láng (Đống Đa, HN) cho biết, trước đây gia đình chị thường xuyên sử dụng thịt gà làm món ăn chính vì giá thành tương đối rẻ, tuy nhiên thời gian này đã hạn chế rất nhiều, nhất là mua các sản phẩm thịt gia cầm tại chợ.
Chị Liên chia sẻ: “Mặc dù dịch cúm A/H7N9 chưa có ở nước ta nhưng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về chợ vẫn còn nên tôi cũng lo lắng. Giờ gia đình tôi cũng phải cẩn trọng khi mua thịt gà”.
Còn bác Lê Thu Hoài ở Nhân Mỹ (Mỹ Đình) nói rằng, Việt Nam sát ngay với Trung Quốc, gia cầm nhập lậu vẫn đầy các chợ, nguy cơ lây lan rất dễ. Gia đình bác giờ chỉ sử dụng thịt gia cầm vào những dịp thật cần thiết, còn lại ngày thường hầu như không ăn khi biết thông tin về dịch cúm A/H7N9 gây chết người.
Thịt gia cầm ế ẩm
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội sáng ngày 8/5, giá các loại thịt gia cầm thời gian này có xu hướng giảm, nhưng tình trạng ế ẩm đang diễn ra phổ biến tại các chợ, khó bán hơn trước rất nhiều.
Hiện tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy), thịt gà công nghiệp nguyên con có giá 45.000 đồng/kg, đùi gà công nghiệp 40.000 đồng/kg, cánh gà 60.000 đồng/kg, rẻ nhất là lườn gà 35.000 đồng/kg, thịt vịt 80.000 đồng/kg.
Tương tự, tại các siêu thị ở Hà Nội, một số loại thịt gà có giá bán giảm hơn so với thời gian trước từ 5.000-10.000 đồng. Một siêu thị phân phối hàng với số lượng lớn đang bán cánh gà công nghiệp với giá 73.800 đồng/kg, đùi gà công nghiệp 60.000 đồng/kg, gà công nghiệp nguyên con 56.900 đồng/kg, thịt gà tam hoàng thả vườn 101.500 đồng/kg, gà ta 119.000 đồng/kg, gà dai nguyên con 45.900 đồng/kg, vịt giá 91.000 đồng/kg.
Theo tiểu thương tại các chợ, mặc dù giá thịt gia cầm tại các chợ đã giảm nhưng vẫn không kéo nổi sức mua lên, thịt vẫn ế đầy chợ nhất là từ khi có thông tin về cúm H7N9.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, bán thịt gia cầm tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) than thở: “Trước đây do khủng hoảng kinh tế nên người dân cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng thịt đã ế ẩm khó bán một thì nay lại thêm thông tin về dịch cúm A/H7N9 bên Trung Quốc khiến người dân lo sợ, không dám mua về ăn khiến thịt gia cầm tại chợ ế ẩm gấp 10 lần”.
Chị Nhàn cho hay, lượng thịt gia cầm nhập vào hàng ngày bây giờ chỉ bằng 2/3 trước đây mà vẫn ế đầy ra. Có hôm cuối buổi vẫn còn tới 2-3 con gà nữa đành phải hạ giá chịu lỗ để bán cho hết vì không muốn để sang hôm sau.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chị Lan chuyên bán thịt gia cầm cũng ngán ngẩm bởi người dân sợ dịch cúm H7N9 không dám ăn thịt gà khiến mặt hàng này ế ẩm.
“Lượng lượng chức năng kiểm soát chặt, gà vào chợ đều có dấu kiểm dịch đầy đủ nhưng dân sợ, hạn chế ăn thịt gà nên hàng ế ẩm, khó bán. Thịt gà thải loại dạo này còn không dám nhập về vì không bán được hàng”, chị Lan nói.
Tại chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín), các tiểu thương ở đây cũng cho biết sức tiêu thụ các mặt hàng gia cầm đang giảm mạnh. Mặt hàng gà thải loại ngày trước hút khách thì giờ khó bán hơn rất nhiều mặc dù “gà đầu trọc” không còn ở chợ nữa.
Nhiều tiểu thương tại chợ này chuyên bán buôn gà thải loại cho hay, dân sợ không ăn thịt gà nên chợ ế. Nhập cả tấn gà thải loại ở Đông Anh về mà ngồi cả buổi sáng mới xuất bán buôn được khoảng 2 tạ, còn lại gà vẫn đầy chuồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, cơ quan này đã tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại các khu vực biên giới đồng thời kết hợp với Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) tiến hành xét nghiệm 500 mẫu gia cầm. Tất cả những mẫu xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9.
Phát biểu tại Hội nghị Huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định “đến nay vẫn chưa xác định có bằng chứng vi rút cúm A/H7N9 dễ dàng lây từ người sang người. Ở Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 nào được ghi nhận cả ở người và gia cầm”.
Trong khi đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 7/5, ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dịch cúm gia cầm về cơ bản đã được khống chế, trong ba tuần qua chúng ta không ghi nhận thêm ổ dịch nào mới trên toàn quốc. |