Trang chủ » Kinh tế 24h » Những mức giá trên trời chỉ có ở sân bay Việt Nam

Những mức giá trên trời chỉ có ở sân bay Việt Nam

Tác giả:

Giá “chát chúa”

Vào sân bay đợi người thân, bạn bè… lỡ ngồi nhà hàng, quán xá trong khu vực này người tiêu dùng sẽ bị “chém đẹp” và không thể nào từ chối trả tiền được vì sản phẩm đã dùng. Câu chuyện đó đã được PV các báo phản ánh nhiều lần.

Vào cuối tháng 2 với hiện trạng tại sân bay Nội Bài, khách phải trả giá cao gấp nhiều lần so với thực tế, gần 200.000 đồng một bát phở và chai nước suối, một bát mì tôm lên đến 40.000 đồng.

Còn theo điều tra của PV báo PLTP, tại một quán cà phê trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đồ uống ở đây đều có giá 60.000-100.000 đồng/món, đặc biệt một chai nước suối có giá 60.000 đồng. Giá này là quá cao bởi ở bên ngoài, các tiệm chỉ bán tầm 15.000 đồng. Các món ăn khác như phở, mì bò cũng đội giá lên đến gần 80.000 đồng/tô… Một số sân bay khác như ở Huế tình trạng cũng tương tự, một tô mì gói hộp, không thịt gì cũng giá khoảng 40.000 đồng cộng thêm một ly cà phê sữa rất bình thường cũng ngót nghét cả 100.000 đồng…

{keywords}

Bạn đọc An Nhiên tại TP. Hồ Chí Minh, là nhân viên một cửa hàng thức ăn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM), thấy rằng tình hình buôn bán ở đây ngày càng ế ẩm, vắng khách vì giá quá cao.

“Mỗi lần mua hàng xong, khách đều lắc đầu hoặc có những người còn than phiền “bán gì cắt cổ vậy”. Nghe những lời đó tôi rất buồn nhưng đây là giá quy định của đơn vị quản lý nên phải chịu. Cảm nhận của tôi là giá các mặt hàng “trên trời”, làm sao mà hành khách không khỏi bức xúc. Chai nước khoáng ở ngoài bán chỉ vài ngàn đồng vậy mà khi đưa vào đây bán gần gấp 10 lần, các mặt hàng thức ăn cũng vậy. Với tình hình như vậy, bất đắc dĩ lắm hàng khách mới mua”, bạn An Nhiên nói.

Cũng theo bạn An Nhiên, là nhân viên bán hàng, tôi chỉ mong muốn cửa hàng của tôi hạ giá thành xuống để có nhiều khách hàng đến mua và cả người mua lẫn người bán đều vui vẻ. Giá bán có cao thì cũng chỉ nên nhỉnh hơn bên ngoài một chút mà thôi.

Bạn đọc Khắc Vinh cũng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, em tôi cũng là nạn nhân khi phải mua đồ ăn ở sân bay vì đói quá, nhịn không được. Nếu ăn ở bên ngoài thì giá tô mì gói, ly nước cam cũng khoảng 50.000 đồng nhưng em tôi bị nổ đom đóm mắt do phải trả tới gần 300.000 đồng. Chuyện đã lỡ nên em tôi đành bấm bụng móc tiền trả nhưng ấm ức mãi.

“Dịch vụ ở sân bay có cao cấp hơn những chỗ khác nhưng không vì thế mà đưa ra giá trên trời. Đành rằng khách đi máy bay thì có tiền nhưng đâu phải vì vậy mà muốn bán sao thì bán. Em tôi giờ rút ra kinh nghiệm đi đâu thì cứ chuẩn bị thức ăn, khỏi phải mua bán gì cho mệt. Nhưng nếu ai cũng như em tôi vì bị sự cố mua đắt như trên mà chuẩn bị thức ăn từ ở nhà thì các cửa hàng ở sân bay chỉ có nước dẹp tiệm. Các cửa hàng dịch vụ nên tự xem xét lại mình để đưa ra giá cả hợp lý”, bạn Vinh cho biết thêm.

Chất lượng cao hay độc quyền?

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các cảng hàng không kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị lạm dụng vị thế độc quyền nâng giá dịch vụ hàng hóa bất hợp lý trong sân bay. Sau nhiều phản ánh về giá cả đắt đỏ ở sân bay thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định chấn chỉnh việc này.

Theo đó, Cục đã có văn bản yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Trung, Nam tăng cường kiểm tra, khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phi hàng không (cung ứng dịch vụ sân đỗ, suất ăn máy bay, kinh doanh miễn thuế, kinh doanh ăn uống…) thực hiện nghiêm túc việc đăng ký chất lượng, giá sản phẩm, niêm yết công khai…

{keywords}

Ngoài ra, cảng vụ hàng không phải phối hợp với các doanh nghiệp rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền trong kinh doanh tại khu vực sân bay để nâng hoặc hạ giá dịch vụ và hàng hóa bất hợp lý.

Các đơn vị không thực hiện cam kết cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo đúng chất lượng, giá đã đăng ký, không tuân thủ việc đăng ký giá và niêm yết công khai giá theo quy định cũng sẽ bị xử lý. Các cảng vụ hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục sau khi thực hiện việc rà soát, kiểm tra, xử lý trên. Đây được xem như nỗ lực của hàng không Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị quản lý toàn bộ các cảng hàng không ở Việt Nam) cho biết đơn vị đang rà soát lại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại sân bay để có biện pháp chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, phục vụ tốt cho khách hàng. Tuy nhiên, vị này phân tích: “Mọi người đừng nên so sánh mặt hàng a b c… gì đó sẽ được bán với giá gần bằng nhau ở nhiều địa điểm khác nhau. So sánh như vậy là không hợp lý. Vì rõ ràng khi chất lượng phục vụ tốt hơn thì giá thành có thể có chênh lệch. Thế nhưng cũng phải nhìn nhận mức giá khác biệt đó phải nằm trong mức độ mà thị trường có thể chấp nhận được, nếu quá cách biệt thì bất hợp lý”.