Trang chủ » Thế giới » ĐH nghiên cứu: cốt lõi của sáng tạo

ĐH nghiên cứu: cốt lõi của sáng tạo

Tác giả:

Lời tựa: Trong loạt bài về kinh tế sáng tạo của diễn đàn Kinh tế Việt Nam có bài viết đề cập đến đại học Harvard như là một trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, sáng tạo và chuyển giao công nghệ hàng đầu của thế giới. Trong bài viết “Khởi đầu bằng nền giáo dục sáng tạo”, chúng tôi đã đề cập sơ bộ tới vai trò của các đại học nghiên cứu (reserch university) trong việc nâng cao sức sáng tạo của nguồn nhân lực cũng như trực tiếp tạo ra những phát kiến hoặc sáng tạo công nghệ. Bài viết này sẽ xem xét sâu hơn vấn đề này đồng thời phân tích những thách thức cũng như giải pháp trong việc xây dựng những đại học nghiên cứu ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Đại học nghiên cứu là gì?

Những trường đại học cổ xưa nhất của thế giới đã có cách đây cả gần thiên niên kỷ, nhưng chức năng nghiên cứu chỉ mới được những người Đức gắn cho các tổ chức này cách đây hơn hai thế kỷ. Kể từ đó đến nay, ý tưởng gắn nhiệm vụ nghiên cứu vào các trường đại học đã “xuất khẩu” ra khắp các châu lục trên thế giới. Ngày nay, ở mọi nước phát triển đều có ít nhất một  trường đại học nghiên cứu. Rất nhiều nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đều có tham vọng xây dựng những đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Vậy, đâu là lý do dẫn tới sự phát triển và tạo nên tính hấp dẫn của các đại học nghiên cứu?

Câu trả lời cho câu hỏi này phần nào nằm ở vai trò ngày càng to lớn của tri thức và sáng tạo trong việc đóng góp vào sự phát triển của các nền kinh tế. Với đặc thù kết nối giảng dạy với nghiên cứu, các trường đại học nghiên cứu có nhiều ưu thế hơn so với những mô hình khác cũng tạo ra tri thức mới như các viện nghiên cứu hay phòng thí nghiệm của các công ty, tập đoàn.

Lịch sử đã chứng minh mối liên hệ giữa đại học nghiên cứu và sự phát triển của nền kinh tế trong trường hợp của nước Đức nửa cuối thế kỷ 19. Đại học nghiên cứu đầu tiên của nước này được thành lập năm 1810, và cho đến cuối thế kỷ 19, những thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học của các trường đại học nghiên cứu ở Đức đã khiến cho nước Đức dẫn đầu toàn thế giới  về các công nghiệp có liên quan đến hóa học. Đây cũng là tiền đề để nước Đức vươn lên chiếm vị thế số 1 trong các nền kinh tế Châu Âu trong suốt những năm cuối thế kỷ 19. Công ty chuyên về dược phẩm và hóa chất Bayer nổi tiếng của Đức đã được thành lập trong giai đoạn này và không ngừng lớn mạnh cho tới ngày nay chính là nhờ những thành quả nghiên cứu về hóa học từ các trường đại học nghiên cứu này.

Các ĐH nghiên cứu đều có những thư viện lớn với số lượng tài liệu khổng lồ.

Ở Hoa Kỳ hiện nay,  những công ty công nghệ cao về Công nghệ Sinh học hay Khoa học Máy tính ở những thành phố như Boston hay vùng thung lũng Silicon cũng đang được hưởng lợi từ những đại học nghiên cứu hàng đầu như Harvard, MIT, Đại học California hay Stanford.

Quyết tâm của các nước đang phát triển

Do nhận thấy tầm quan trọng của đại học nghiên cứu đối phát triển và tăng trưởng kinh tế trong thời đại kinh tế tri thức; rất nhiều quốc gia trong đó điển hình phải kể đến là Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư nguồn lực cũng như đưa ra các chính sách để thu hút nhân tài nhằm xây dựng các chương trình nghiên cứu cũng như các đại học nghiên cứu tầm cỡ thế giới.

Một bài báo gần đây của các nhà nghiên cứu tại đại học Giao thông Thượng Hải cho biết, chiến lược đầu tư vào các đại học nghiên cứu ở Trung Quốc đã được bắt đầu từ những năm 1995 của thế kỷ trước. Chính quyền các cấp của nước này đã rót tổng cộng khoảng 5,44 tỉ USD nhằm vực dậy hệ thống giáo dục đại học. Các dự án được chia ra làm nhiều giai đoạn nhằm xây dựng hàng trăm đại học hoa tiêu góp phần đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc trên phạm vi quốc tế. Trong các dự án, dự án 985 với tổng nguồn đầu tư lên tới hơn 4,86 tỉ USD nhắm tới giúp đỡ 39 trường đại học của Trung Quốc trở thành các đại học nghiên cứu hàng đầu và 9 trong số đó được kỳ vọng trở thành những đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế.

Theo cuốn sách “Thách thức của việc thành lập các đại học đẳng cấp thế giới” của giáo sư Salmi từ Ngân hàng thế giới, chi phí  để xây dựng được một đại  học đẳng cấp quốc tế vào khoảng từ 400 đến 500 triệu USD. Với nguồn đầu tư như trên, Trung Quốc rất có thể sẽ thành công trong việc tạo ra một số lượng đáng kể các đại học nghiên cứu tầm cỡ thế giới trong tương lai không xa.

Cổng chính của ĐH Bắc Kinh, một trong những trung tâm nghiên cứu học thuật hàng đầu Trung Quốc.

Với trường hợp của Ấn Độ, quốc gia này cũng đã có nhiều cố gắng và tham vọng có được các đại học hoặc trung tâm nghiên cứu đạt tầm cỡ quốc tế bằng việc tập trung đầu tư vào một số trường đại học trọng điểm của họ như Học viện công nghệ Ấn Độ (IIT). Việt Nam chúng ta cũng đang có những dự án hết sức tham vọng thành lập và phát triển các đại học nghiên cứu.

Thách thức

Theo giáo sư Salmi, các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế yêu cầu nguồn lực tài chính dồi dào, chính sách quản trị phù hợp và sự tập trung tài năng cao độ (sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu). Như đã nói ở trên, để xây dựng một trường đại học như vậy cần từ 400 đến 500 triệu USD. Tuy vậy, đó mới chỉ là điều kiện “đầu tiên”. Để trường đi vào hoạt động và phát triển còn rất cần có những chính sách thu hút tài năng và tạo điều kiện trong học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên nguồn nhân lực giảng dạy và nghiên cứu chất lượng cao lại được đón chào ở rất nhiều nơi trên thế giới với mức lương và điều kiện làm việc vô cùng thuận lợi. Việc thu hút được họ về đóng góp lâu dài tại các trường đại học ở các nước đang phát triển là một việc không hề đơn giản.

Một thách thức khác đối với các đại học nghiên cứu đó là duy trì nguồn tài chính ổn định cung cấp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Về nguyên tắc, những nghiên cứu khoa học và công nghệ cao cần nguồn đầu tư lớn và thường khó đem lại lợi nhuận về mặt tài chính trong ngắn hạn. Do vậy, đảm bảo nguồn tài chính là việc làm sống còn tránh xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong các dự án dài hơi.

Ngoài ra, tạo ra môi trường làm việc tốt cho giảng viên, giáo sư và sinh viên cũng là một thách thức thực sự. Việc cân đối thời gian giữa giảng dạy và nghiên cứu giúp giảng viên có quỹ thời gian và năng lượng dành cho nghiên cứu là những yêu cầu không thể thiếu. Đại đa số các giáo sư làm việc tại các trường đại học hàng đầu đều chỉ phải dạy tương đối ít thường là một đến hai lớp trong một học kỳ. Thời gian còn lại, họ chủ yếu dành cho nghiên cứu và tham gia các hoạt động chuyên môn.

Giải pháp

Giáo sư Geiger, một chuyên gia hàng đầu về đại học nghiên cứu của đại học bang Pennsylvania – Mỹ, chia sẻ: “Nên xây dựng các đại học nghiên cứu ở các nước đang phát triển dựa trên những lợi thế địa phương (local advantanges) để có thể huy động được nguồn tài chính địa phương (local money). Chỉ có như vậy, các trường đại học nghiên cứu non trẻ mới có thể duy trì hoạt động ổn định lâu dài và vươn lên trình độ quốc tế”.

Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Altbach- một chuyên gia hàng đầu khác về Giáo dục so sánh của đại học Boston College cũng cho biết “400 hay 500 triệu USD có thể hết rất nhanh sau 10- 20 năm đầu tư vào các trường đại học nghiên cứu. Việc quan trọng cần nghĩ đến ngay từ bây giờ là sau 10 năm, 20 năm, thậm chí là 100 năm tới, trường đại học đó sẽ hoạt động ra sao, dựa trên nguồn lực tài chính nào.”

Phân tích kỹ hơn những gợi ý trên đây, ta thấy một số điểm có thể đưa ra các bài học có giá trị cho các nước đang phát triển.

Lợi thế địa phương và tiềm lực tài chính nội bộ

Từ cách đây hơn 150 năm, Hoa Kỳ đã ban hành một điều luật có tên Morrill- Land Grant Acts cấp các khu đất thuộc sở hữu của chính quyền liên bang cho các trường đại học nhằm mở các ngành học có liên quan đến Nông nghiệp và Cơ khí. Các trường đại học có thể bán một phần các khu đất này để lấy kinh phí xây dựng trường lớp, phòng thí nghiệm nghiên cứu các ngành này. Kết quả của chính sách này là sự ra đời của hàng loạt các trường chuyên về nông nghiệp và cơ khí nằm độc lập hoặc nằm trong các trường đại học sẵn có.

Trường đại học Texas A&M hay trường Đại học bang Pennsylvania là những ví dụ của chính sách này. Đặc biệt hơn, một số trường như Đại học Cornell ở bang New York vốn là một đại học tư thục nhưng cũng nhận được hỗ trợ từ chính quyền bang và liên bang để thành lập các trường chuyên về nông nghiệp trực thuộc. Kết quả là nước Mỹ ngày nay dẫn đầu thế giới về sản lượng ngũ cốc, thịt gia súc, sữa… Năm 2007, người nông dân Mỹ thu về 285 tỷ USD từ hoa màu và gia súc (gấp 2,7 lần tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam năm 2010). Sự phát triển của lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, chế tạo ô tô ở nửa đầu thế kỷ 20 của Mỹ cũng được cho là có nguyên nhân từ việc đầu tư lớn vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cơ khí trong các trường đại học trong những năm nửa cuối thế kỷ 19.

Khuôn viên ĐH Cornell (Hoa Kỳ)

Gần đây, những thành công của các nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản trong những ngành công nghiệp mũi nhọn như đóng tầu hay thiết bị điện tử cũng được cho là do những chính sách đầu tư đúng đắn và có tầm nhìn cho giáo dục của các nhà lãnh đạo trước đây của các nước này.

Tóm lại, ví dụ về nền nông nghiệp ở một đất nước rộng và trù phú như Hoa Kỳ, hay công nghiệp đóng tàu ở các quốc đảo và bán đảo Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy thành công của việc lựa chọn các định hướng nghiên cứu gắn với lợi thế địa phương. Việc tìm ra các lợi thế này ở mỗi nước và huy động được nguồn đầu tư từ chính phủ, doanh nghiệp và thậm chí- các cá nhân là các yếu tố sống còn trong sự phát triển và lớn mạnh của các trường đại học nghiên cứu.

Nâng dần tiêu chuẩn

Theo giáo sư Geiger, kinh nghiệm về sự thành công của hệ thống các đại học nghiên cứu ở Mỹ cho thấy chúng ta nên bắt đầu từ những dự án nghiên cứu cụ thể và phù hợp rồi nỗ lực đầu tư để đem lại thành công như mong đợi cho các dự án này. Từ những thành công đó, chúng ta sẽ nhân rộng ra các dự án nghiên cứu khác và thiết kế lộ trình để thực hiện những dự án nghiên cứu lớn và có tính chất liên ngành hơn. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển các đại học nghiên cứu, chúng ta có thể tạm hài lòng với những dự án nghiên cứu chưa thực sự có quy mô và tầm cỡ thế giới. Sau những dự án vừa tầm để đạt được trình độ và năng lực nghiên cứu ban đầu, chúng ta có thể nâng tiêu chuẩn các dự án nghiên cứu lên cao hơn và tiếp tục thực hiện tốt những dự án này. Chiến lược này có thể tóm gọi trong mấy chữ: Nâng dần tiêu chuẩn (make the peak higher).

Tự do cạnh tranh hay Đầu tư tinh hoa

Vấn đề đầu tư nguồn lực như thế nào để tạo ra những đại học nghiên cứu tốt gần đây trở thành đề tài tranh luận nóng hổi trong giới học thuật cũng như giữa những nhà hoạch định chính sách. Về cơ bản, có hai trường phái chính: Tự do cạnh tranh và Đầu tư tinh hoa.

Nói ngắn gọn, Tự do cạnh tranh là phương thức để cho các cơ sở giáo dục, các tổ chức và các nhà nghiên cứu tự tìm kiếm các nguồn lực phục vụ nghiên cứu như: tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực… Các cá nhân hoặc tổ chức sẽ trình bày dự án nghiên cứu của họ với những tổ chức cấp kinh phí. Các ban xét duyệt sẽ đánh giá tầm quan trọng và tính khả thi của các dự án để quyết định việc cấp kinh phí.

Xu thế thứ hai là các tổ chức cấp kinh phí sẽ chỉ định một số cá nhân hoặc tổ chức cụ thể để nhận các nguồn lực và thực hiện các nghiên cứu hoặc thành lập và vận hành các cơ sở nghiên cứu mới.

Giáo sư David Baker, một nhà xã hội học chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa đại học nghiên cứu và các thành phần khác của nền kinh tế cho rằng mô hình Tự do cạnh tranh về lâu dài sẽ giúp huy động tối đa các nguồn lực khác nhau vào công tác nghiên cứu khoa học.

Những người ủng hộ xu thế thứ hai thì cho rằng, với thực trạng năng lực nghiên cứu còn hạn chế của các nước đang phát triển, việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm trong khi nguồn tài chính bị hạn chế sẽ không thể đem lại hiệu quả đầu tư trong ngắn cũng như trung hạn và do vậy làm nản chí các nỗ lực đầu tư vào khoa học, công nghệ và sáng tạo. Do đó chúng ta cần chọn lọc trong đầu tư – phương thức Đầu tư tinh hoa.

Một lần nữa, việc lựa chọn phương thức đầu tư nào để gây dựng khả năng nghiên cứu ở mỗi nước phụ thuộc vào đặc thù và trình độ khoa học, công nghệ  hiện tại của từng nước. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm phát triển đại học ở Trung Quốc, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, việc tập trung trước mắt vào đầu tư hỗ trợ phát triển từ 1 đến 2 trường đại học nghiên cứu cũng như một số lượng hạn chế các chương trình trọng điểm là việc nên làm để sớm xây dựng được khả năng nghiên cứu cho hệ thống giáo dục đại học của nước ta. Trong dài hạn, việc tạo điều kiện để các trường đại học khác trong đó có các trường đại học tư thục có thể nhận được các nguồn đầu tư từ nhà nước để làm nghiên cứu là cần thiết để tạo nên một nền giáo dục đại học đa dạng, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế sáng tạo.