Trang chủ » Thế giới » Chính phủ Mỹ đóng cửa và các hệ lụy

Chính phủ Mỹ đóng cửa và các hệ lụy

Tác giả:

Chính phủ Mỹ lâm vào bế tắc

Hạn mức chi tiêu của chính phủ Mỹ hiện nay sẽ hết vào cuối ngày mai (8/4). Nếu không có sự thoả thuận lại về ngân sách, gần một triệu nhân viên của chính phủ liên bang sẽ phải nghỉ việc và nhiều hoạt động của chính phủ sẽ đóng cửa.

Tình huống bế tắc này bắt nguồn từ cuộc tranh cãi xung quanh kế hoạch ngân sách năm 2011 với hàng loạt những thay đổi mà phía Đảng Cộng hoà yêu cầu. Một trong số đó là cắt giảm chi tiêu cho các chương trình môi trường, bảo hiểm y tế, kế hoạch hoá gia đình mà chính quyền Obama đang thực thi.

Hồi tháng 2, Hạ viện Mỹ với sự áp đảo của Đảng Cộng hoà đã bỏ phiếu quyết định cắt giảm 61 tỷ USD chi tiêu liên bang, chủ yếu nhằm vào các chính sách y tế do ông Obama khởi xướng và các cơ quan chính phủ kiểm soát hoạt động này. Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bác bỏ việc này.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán, đến nay hạn chót chỉ còn tính bằng giờ nhưng ông Obama vẫn chưa tìm ra giải pháp nào cho chính sách cắt giảm chi tiêu và duy trì hoạt động chính phủ. Thành viên hai viện hiện vẫn không ngừng đàm phán, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị cho việc đóng cửa vào ngày mai.

Các nhà lãnh đạo Cộng hoà cho biết họ sẽ chuyển khỏi nhà Quốc hội vào ngày mai và sử dụng ngân sách tạm thời để duy trì hoạt động đến ngày 15/4, thực hiện cắt giảm 12 tỷ USD ngân sách và cấp tiền cho Lầu Năm góc hoạt động trong phần còn lại của năm. Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ vẫn phản đối kế hoạch này, và cho rằng đó chỉ là một giải pháp tượng trưng.

Quốc hội cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đóng cửa. Được biết, nhân sự sẽ được chia làm hai loại, những người được cho là cần thiết như các nhà làm luật và trợ lý cấp cao sẽ vẫn làm việc, những người khác “ít quan trọng” hơn sẽ được cho nghỉ không lương.

Những hệ luỵ không nhỏ

Khoảng 800.000 người trong tổng số 2 triệu nhân viên chính phủ có khả năng phải nghỉ không lương. Quân đội, lực lượng an ninh, thi hành luật và nhiều cơ quan vũ trang khác sẽ tạm thời vẫn hoạt động. Tuy nhiên lương của họ sẽ phải hoãn đến khi chính phủ hoạt động trở lại.

Các hoạt động chính phủ còn ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế bởi một trong số các hoạt động phải đóng cửa là chương trình cho vay bảo đảm của Cục Nhà ở liên bang, chương trình cho vay với các doanh nghiệp nhỏ. Các dịch vụ kiểm toán, thuế vụ, bảo hiểm thế chấp… cũng bị dừng lại. 

Không chỉ hoạt động kinh tế, quân sự, nhiều hoạt động văn hoá du lịch cũng bị huỷ bỏ. Công viên Quốc gia, viện bảo tàng sẽ phải đóng cửa. Lễ hội Hoa anh đào náo nhiệt được dự định hoàng tránh với cuối tuần này cũng bị huỷ.

Các hoạt động quan trọng như quân sự, nghiên cứu y tế không nằm ngoài ảnh hưởng. Quân đội Mỹ sẽ được trả lương qua ngày 8/4, nhưng sau đó sẽ bị ngừng vô thời hạn, kể cả ở những khu vực đang có chiến tranh.

Viện Y tế Quốc gia ngừng nhận bệnh nhân mới và việc khám bệnh cũng bị ngừng lại.

Uỷ ban Bảo vệ môi trường ngừng đưa ra các đánh giá mới về môi trường. Các số liệu thống kê về kinh tế Mỹ, một kim chỉ nam cho thị trường thế giới cũng sẽ bị ngừng cung cấp.

Hôm nay, tổng thống Obama cho biết, tình thế bế tắc này sẽ đe doạ sự phục hồi kinh tế Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu gượng dậy. “Tình hình không ổn định sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính, hoạt động sản xuất của các hãng. Tôi không muốn thấy các nhà chính trị đứng bên ngoài sự phát triển của nước Mỹ”.

Lối thoát nào ?

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin cho biết, sáng nay tổng thống Obama đã thông báo bằng điện thoại rằng cuộc họp của ông với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hoà có nhiều tiến triển tốt. Ông cũng bày tỏ lạc quan về một giải pháp sẽ đạt được trong ngày mai.

Một số nghị sĩ Đảng Cộng hoà cho biết họ sẵn sàng giảm bớt một số yêu cầu về thay đổi chính sách để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu.

Giải pháp duy nhất lúc này là các nhà làm luật sẽ kịp xoay sở để thông qua một thoả thuận ngân sách tạm thời trong ngày mai, nhằm duy trì hoạt chính phủ trong ngắn hạn.