Trang chủ » Thế giới » 10 quốc gia ngập chìm trong nợ nần

10 quốc gia ngập chìm trong nợ nần

Tác giả:

Nợ công hiện không chỉ khiến cho các quốc gia châu Âu phải đau đầu mà nó còn là mối lo lớn đối với nhiều cường quốc bậc nhất thế giới trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, mục tiêu hàng đầu của các quốc gia bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là giảm thâm hụt ngân sách, giảm tỷ lệ nợ chính phủ.

Mới đây, dựa trên số liệu do tổ chức Moody, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD cung cấp, 24/7 Wall St đã xử lý dữ liệu để đưa ra danh sách các quốc gia nợ công nhiều nhất thế giới.

Dưới đây là 10 nước “sở hữu” khoản nợ công khổng lồ nhất thế giới:

1. Nhật Bản

Tỷ lệ nợ trên GDP: 233,1%

Nợ chính phủ: 13,7 nghìn tỷ USD

GDP/đầu người: 33.994 USD

GDP danh nghĩa: 5,88 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 4,6%

Xếp hạng tín dụng: Aa3

Với tỷ lệ nợ so với GDP là 233,1%, Nhật Bản đứng đầu danh sách các nước phát triển với khoản nợ khổng lồ. Tuy vậy, Nhật Bản đã nỗ lực để tránh được bi kịch suy thoái như Hi Lạp, Bồ Đào Nha. Điều này phần lớn là do tỷ lệ thất nghiệp tại nước này duy trì được ở mức an toàn và số lượng người nắm giữ trái phiếu chính phủ lớn- một nguồn lực hỗ trợ tài chính hiệu quả cho chính phủ. Trong một phát biểu vào tháng 11/2011, phó thủ tướng Fumihiko Igarashi cho biết “95% số lượng trái phiếu chính phủ do người dân trong nước nắm giữ”. Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng vừa đề xuất tăng gấp đôi mức thuế doanh thu cho đến năm 2015 để giải quyết phần nào tình trạng nợ của quốc gia.

2. Hi Lạp

Tỷ lệ nợ so với GDP: 168,2%

Nợ chính phủ: 489 tỷ USD

GDP/ đầu người: 28.154 USD

GDP danh nghĩa: 303 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 19,2%

Xếp hạng tín dụng: Ca

Hi Lạp trở thành môt đại diện điển hình cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu trong những năm 2009- 2010. Ngay cả sau khi được châu Âu và IMF cứu trợ thì tình hình cũng không mấy cải thiện. Bộ mặt nền kinh tế tiếp tục bị bóc tách và lộ ra những yếu kém, những khủng hoảng trầm trọng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp thì cao ngất ngưởng. Nhiều biện pháp được thực hiện một cách bị động và thiếu linh hoạt. Năm 2010, nợ công trên GDP của Hi Lạp là 143%. Năm 2011 ước tính lên tới 168%. Hi Lạp cần một gói cứu trợ thứ hai trị giá 172 tỷ USD để tránh khỏi tình trạng vỡ nợ vào tháng 3 tới.

3. Italy

Tỷ lệ nợ trên GDP: 120%

Nợ chính phủ: 2,54 nghìn tỷ USD

GDP/đầu người: 31.555 USD

GDP danh nghĩa: 2,2 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 8,9 %

Xếp hạng tín dụng: A3

Tình trạng nợ chính phủ của quốc gia này trở nên tồi tệ là do yếu kém trong phát triển kinh tế. Năm 2010, tỷ lệ tăng trường kinh tế chỉ đạt 1,3% sau hai năm GDP giảm. Vào tháng 12/2011, chính phủ nước này đã miễn cưỡng thông qua chính sách hạ lãi suất cho vay. Tờ Financial Times đưa tin, theo hiệp hội người tiêu dùng Federconsumatori, khoản tiền 40 tỷ USD từ việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sẽ gia tăng khoản chi phí 1.500 USD cho mỗi hộ gia đình trong vòng 3 năm tới. Vào thứ Hai vừa qua Moody đã hạ bậc tín dụng của Itali từ A2 xuống A3.

4. Ai Len

Tỷ lệ nợ trên GDP: 108,1%

Nợ chính phủ: 225 tỷ USD

GDP/ đầu người: 39.727 USD

GDP danh nghĩa: 217 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 14,5%

Xếp hạng tín dụng: Ba1

Ai Len từng là một nền kinh tế lành mạnh nhất của châu Âu. Những năm đầu thập niên qua, tỷ lệ thất nghiệp của nước này thấp nhất trong số các nước công nghiệp phát triển. Bên cạnh đó là tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa luôn được duy trì ở mức 10%/ năm. Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu đã khiến nền kinh tế Ai Len lại sụt giảm nhanh chóng. Năm 2006, ngân sách chính phủ thâm hụt 2,9% so với GDP, năm 2010 là 32,4%. Như vậy, kể từ năm 2001, tỷ lệ nợ của nước này đã tăng 500%. Moody đã quyết định hạ bậc tín dụng của Ai Len xuống mức Ba1.

5. Bồ Đào Nha

Tỷ lệ nợ trên GDP: 101,6%

Nợ chính phủ: 257 tỷ USD

GDP/đầu người: 25.575 USD

GDP danh nghĩa: 239 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 13,6%

Xếp hạng tín dụng: Ba3

Bồ Đào Nha đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới- nhiều hơn so với các quốc gia khác- một phần là do nước này có tỷ lệ GDP/đầu người thấp. Năm 2011, Bồ Đào Nha nhận được khoản cứu trợ trị giá 104 tỷ USD từ EU và IMF.  Chính phủ nước này đang nỗ lực trong việc giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP từ 9,8% năm 2010 xuống 4,5% năm 2012 và 3% năm 2013. Chính vì tình trạng nợ chính phủ mà nước này đã bị tổ chức Moody hạ bậc tín dụng.

6. Bỉ

Tỷ lệ nợ trên GDP: 97,2%

Nợ chính phủ: 479 tỷ USD

GDP/đầu người: 37.448 USD

GDP danh nghĩa: 514 tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 7,2%

Xếp hạng tín dụng: Aa1

Tỷ lệ nợ công so với GDP của Bỉ đạt đỉnh vào năm 1993 với 135%. Đến năm 2007, con số này giảm xuống chỉ còn 84%. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 năm qua, tỷ lệ này lại tăng lên gần 95%. Đầu năm 2012, nước này buộc phải cắt giảm chi tiêu 1,3 tỷ USD đáp ứng quy định mới về tài khóa của EU nhằm ngăn chặn sự lặp lại của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro.

7. Mỹ

Tỷ lệ nợ trên GDP: 85,5%

Nợ chính phủ: 12,8 nghìn tỷ USD

GDP/đầu người: 47.184 USD

GDP danh nghĩa: 15,13 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 8,3%

Xếp hạng tín dụng: Aaa

Tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ năm 2001 là 45,6%. Thế nhưng đến năm 2011, sau một thập niên gia tăng chi tiêu công thì tỷ lệ nợ công của nước này lên tới con số 85.5%. Năm 2001, chi tiêu chính phủ so với GDP của Mỹ là 33,1%, năm 2010 là 39,1%. Năm 2005, nợ công của Mỹ chỉ là 6,4 nghìn tỷ USD nhưng đến năm 2011 đã tăng lên 12,8 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên Moody vẫn giữ xếp hạng tín dụng của Mỹ ở mức hoàn hảo Aaa. Trong khi đó vào tháng 8 năm ngoái, S&P hạ bậc AAA của Mỹ xuống còn AA+.

8. Pháp

Tỷ lệ nợ trên GDP: 85,4%

Nợ chính phủ: 2,26 nghìn tỷ USD

GDP/đầu người: 33.820 USD

GDP danh nghĩa: 2,76 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 9,9%

Xếp hạng tín dụng: Aaa

Pháp là nền kinh tế lớn thứ ba tại châu Âu với GDP là 2,76 nghìn tỷ USD. Tháng Giêng, sau một thời gian dài phát triển kinh tế ổn định, S&P đã hạ bậc Pháp xuống AA+ từ AAA do tình trạng nợ chính phủ. Tuy nhiên Moody vẫn đánh giá cao khả năng tín dụng của nước này khi giữ mức xếp hạng Aaa.

9. Đức

Tỷ lệ nợ trên GDP: 81,8%

Nợ chính phủ: 2,79 nghìn tỷ USD

GDP/đầu người: 37.591 USD

GDP danh nghĩa: 3,56 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ thất nghiệp: 5,5%

Xếp hạng tín dụng: Aaa

Là một nền kinh tế lớn nhất cũng giữ tiềm lực tài chính mạnh nhất khu vực EU, Đức cũng giành sự quan tấm đặc biệt đến việc duy trì sự ổn định về tình trạng nợ công của nước mình cũng như toàn khu vực đồng Euro. Năm 2010, khi mà Hi Lạp đứng trên bờ vực phá sản do món nợ khổng lồ, IMF và EU buộc phải thực hiện khoản cứu trợ 45 tỷ USD cho nước này và Đức giữ vai trò quan trọng trong quyết đinh này. Chỉ số xếp hạng tín dụng của Đức đạt tuyệt đối, tỷ lệ thất nghiệp cũng được cho ở mức thấp nhất châu Âu. Tuy có nền kinh tế tương đối mạnh nhưng khoản nợ chính phủ của Đức cũng được liệt vào hạng…khổng lồ.

10. Anh

Tỷ lệ nợ trên GDP: 80,9%

Nợ chính phủ: 1,99 nghìn tỷ USD

GDP/đầu người: 35.860 USD

GDP danh nghĩa: 2,46 nghìn tỷ

Tỷ lệ thất nghiệp: 8,4%

Xếp hạng tín dụng: Aaa

Mặc dù là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công cao trong số các nước phát triển nhưng Anh vẫn duy trì được tình trạng tương đối ổn đinh trong phát triển kinh tế. Anh không thuộc khối đồng tiền chung và họ sở hữu ngân hàng trung ương độc lập của mình. Chính sự độc lập này đã giúp nước này bảo vệ mình tốt hơn trước cuộc khủng hoảng nợ. Số lượng trái phiếu chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp. Chỉ số tín dụng được xếp hạng hoàn hảo Aaa. Điều này thể hiện tình hình tài chính khá an toàn của quốc gia này.