Trang chủ » Thế giới » Làm thương hiệu cần có một tư duy toàn cầu

Làm thương hiệu cần có một tư duy toàn cầu

Tác giả:

 – Hội thảo “Một ngày với GS John Quelch từ Harvard – Nâng tầm thương hiệu Việt” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo DN và giới chuyên gia.  Lãnh đạo các DN Việt Nam cho biết, những nội dung mà giáo sư John Quelch, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard trình bày đã gợi mở ra nhiều điều mới mẻ, soi sáng nhiều điều lâu nay DN vướng mắc nhưng chưa tìm ra giải pháp.

Dưới đây là những ý kiến mà phóng viên VietNamNet đã ghi nhận trong quá trình diễn ra hội thảo. 

Giáo sư John Quelch đang thuyết trình sáng 22/2  tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM. Ảnh: Đặng Vỹ 

Ông Nguyễn Quang Thuật – Chủ tịch HĐQT – Tổng GĐ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư và XK (FOODINCO): Cần thay đổi tư duy làm thương hiệu 

Việt Nam chỉ vừa mới gia nhập nền kinh tế thị trường khoảng 5-7 năm gần đây, đặc biệt là mới chỉ gia nhập sâu kể từ năm 2007, khi chúng ta trở thành thành viên WTO. 

Chính vì vậy nên nhận thức về thương hiệu của đa số doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ. Chúng ta cũng làm thương hiệu nhưng thật sự chúng ta chưa làm tới nơi tới chốn, chưa có sự đầu tư đúng mức cho thương hiệu. Chính vì vậy, chất lượng thương hiệu chưa cao.

Chúng tôi nghĩ rằng việc chia sẻ thông tin qua những hội thảo như thế này rất cần cho các doanh nghiệp ở các khu vực miền Trung, Tây nguyên, điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế hơn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Tổng GĐ Công ty TNHH nhựa Duy Tân: Cánh cửa khai thông 

Kiến thức mà giáo sư truyền đạt qua các bài nói chuyện rất sâu sắc, có hệ thống. Đó là những bài học kinh nghiệm thiết thực, được trình bày rất dễ hiểu, giúp tôi giải toả được những vấn đề còn vướng mắc bấy lâu.  

Tôi nghĩ rằng sau khi nghe bài thuyết trình của Giáo sư, DN sẽ phải xem xét lại những vấn đề của mình. Thí dụ như “marketing nội bộ” là một vấn đề doanh nghiệp nào cũng mắc phải và rất khó giải quyết.

Những gợi ý của Giáo sư đã vạch ra hướng đi rất rõ ràng. Tôi tin rằng thực hành đúng như những gì giáo sư đã chia sẻ thì sẽ có hiệu quả. 

Ông Nguyễn Thế Vũ – Chuyên gia tư vấn bất động sản, bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp: Bài học bổ ích 

Thật đáng tiếc vì buổi nói chuyện đang hấp dẫn lại kết thúc. Tôi cho rằng nội dung nói chuyện của Giáo sư rất đáng giá, thiết thực. Ví dụ như quan điểm của giáo sư cho rằng marketing không chỉ cho DN mà còn phải marketing cho Chính phủ, cho đất nước, đưa hình ảnh đất nước ra với thế giới.  

Bên cạnh đó là rất nhiều kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới mà giáo sư mang đến hội thảo rất đáng tham khảo.

Ông Trần Tấn Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xuất khẩu thuỷ sản Miền Trung (SEAPROEX DANANG): Cần một thương hiệu quốc gia 

Những kiến thức mà Giáo sư John Quelch chia sẻ thật sự bổ ích cho những doanh nghiệp ít có điều kiện tiếp cận kiến thức quản trị thương hiệu như chúng tôi.

Thời gian qua, trong ngành xuất khẩu thủy sản của cũng có một số thương hiệu có uy tín, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước. Tuy nhiên, có rất ít DN xuất khẩu trực tiếp bằng thương hiệu của mình.

Phần đông DN phải xuất khẩu bằng bao bì, tên tuổi của một DN trung gian. Chúng tôi rất muốn có một thương hiệu quốc gia cho thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, để từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho từng doanh nghiệp.

Nhưng thực tế hiện nay ở Việt Nam, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp khá lỏng lẻo và rời rạc. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng việc “nâng tầm” cho thương hiệu Việt trong bối cảnh này là không dễ. 

Ông Giản Tư Trung – Chủ tịch sáng lập, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE: Xây dựng thương hiệu cần phải có một tư duy toàn cầu 

Hội thảo có bàn về vấn đề làm thế nào Made in Vietnam có chỗ đứng trên sân chơi toàn cầu.

Theo ‎ tôi, lúc này chúng ta nên chú trọng đến yếu tố “Made by Vietnam” hơn là Made in Vietnam. Bởi vì hiện nay, việc sản xuất ở đâu không còn quan trọng, quan trọng là được làm ra bởi người Việt Nam. Các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Sony, Toshiba, Panashonic… có thể được sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, nhưng vẫn thành công trên thế giới là vì chúng “Made by Japan”.

Một DN Nhật Bản có thể một mình đi ra thế giới tất dễ dàng, bởi vì nó có cái thương hiệu “Made by Japan” rất lớn. Nhưng với một DN Việt Nam thì rất khó. Nhưng nếu chúng ta có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp khác nhau cùng đi ra thế giới với một tâm thế chung, một quyết tâm chung, một hình ảnh chung… thì chúng ta sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, làm nên thương hiệu Việt Nam, đó là “Made by Vietnam”.

Đến lượt mình, thương hiệu quốc gia sẽ là lực đầy cho từng thương hiệu DN tiến ra thế giới. Chỉ khi hai yếu tố này đi song hành, phải hòa quyện vào nhau, tác động tương hỗ với nhau thì chúng ta mới nâng tầm được thương hiệu Việt, mới khẳng định được vị thế thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.  

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tôn Hoa Sen: Thương hiệu không quan trọng hơn sản phẩm

Giáo sư John Quelch đã biến những kiến thức bác học thành những vấn đề thực tế, dễ hiểu, giúp những nhà quản trị doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ hơn vế thương hiệu và cách quản trị thương hiệu.

Tôi rất tâm đắc với quan điểm của giáo sư về việc nhìn nhận giá trị của thương hiệu. Chúng ta coi thương hiệu là một tài sản qu‎ý của doanh nghiệp nhưng thương hiệu không thể quan trọng hơn sản phẩm.

Một doanh nghiệp trong quá trình định vị sản phẩm, thương hiệu của mình phải liên tục đổi mới, tạo ra những sản phẩm mới, có chất lượng cao cùng với mẫu mã, bao bì đẹp, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Bùi Quang Mẫn – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Giấy Viễn Đông: Cần những kiến thức cao hơn nữa 

Tôi thấy những kiến thức mà Giáo sư John Quelch trao đổi rất dễ hiểu, dễ vận dụng. Tuy nhiên, chúng tôi cần những nội dung, kiến thức cao hơn, đi sâu vào trọng tâm tìm giải pháp vươn ra toàn cầu.

Việt Nam cần có kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn trong việc xây dựng thương hiệu đẳng cấp thế giới. Hội nghị này là tập hợp của những doanh nghiệp trong Câu lạc bộ VNR500 với đa số là DN lớn, chúng tôi cần được tư vấn cao hơn về xây dựng thương hiệu nhằm rút ngắn con đường vươn ra toàn cầu. 

Đặng Vỹ – Kim Toàn thực hiện