Những đứa trẻ chân đất nô đùa quanh chiếc lò bằng gạch bốc khói nghi ngút. Chỗ khác, cũng ở Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất của châu Á, mấy cô bé trong trang phục quá khổ đi lại trên các đống rác. Nhìn qua bên kia, cạnh đoạn rãnh hở, một cậu bé đang cầm gậy đuổi theo một con dê.
Các nhà quy hoạch và một số nhân vật chính trị nhìn vào Dharavi, khu vực nằm chính giữa thành phố Mumbai đang ngày càng chật chội, và tìm thấy một “mỏ vàng” ở đây. Họ muốn xóa sổ chỗ chướng mắt này, dồn các cư dân đang sống trên đó vào các khu nhà cao tầng với đầy đủ dịch vụ điện, nước và vệ sinh và biến khu vực này thành một khu thương mại và nhà ở nhằm thu lời.
Vị kiến trúc sư đứng đằng sau kế hoạch dự án này, ông Mukesh Mehta, cho biết, Dharavi mới sẽ có phục vụ cho toàn bộ dân cư tại đây cũng như cho nền kinh tế Ấn Độ.
Ông nói trên kênh CNN: “Nếu 33% dân số thành thị sống trong các khu ổ chuột – họ có thể sống trong các điều kiện dưới mức con người, nhưng họ sẽ vẫn làm suy kiệt nền kinh tế. Mai đây thôi họ sẽ bắt đầu trở thành người đóng góp vào nền kinh tế”.
Nhiều công dân của Dharavi cùng với các nhà hoạt động, phóng viên, và các nhà quản lý đô thị ủng hộ dự án quy hoạch khu vực này. Họ chào đón ý tưởng mang đến một cơ sở hạ tầng như nước và vệ sinh tốt hơn đến với các khu lều và nhà tạm bợ khác ở đây.
Nhưng họ cũng cho biết, Dharavi không chỉ đơn thuần là một khu ổ chuột bẩn thỉu, ô nhiễm và rác rưởi. Xét trên nhiều mặt, đây còn là một hệ sinh thái tự cung tự cấp, phục vụ những nhu cầu mà có lẽ ở nơi khác không thể đáp ứng được.
Dharavi cung cấp những bài học về kinh tế, phát triển, môi trường và xã hội cho Mumbai nói riêng và cho cả Ấn Độ nói chung.
Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng hằng năm gần 9%, và trong hai thập niên trở lại đây, nước này đã đưa hàng triệu người thoát nghèo. Nhưng vẫn còn đó một bộ phận dân số khổng lồ rất nghèo. Gần một nửa trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, và Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2015, số người sống dưới 1,25 USD/ngày sẽ là khoảng gần 300 triệu người.
Người nghèo Ấn Độ đổ xô khỏi các khu vực nông thôn và đến các thành phố như Mumbai, dẫn tới sự tập trung ngày càng lớn người nghèo của nước này trong các thành thị. Dân số thành thị tăng từ 290 triệu người năm 2001 lên xấp xỉ 340 triệu người năm 2008. Tuy nhiên, Chính phủ không thể tạo đủ số việc làm hay nhà ở cho những người này.
Dharavi và các khu ổ chuột tương tự có đủ các yếu tố đáp ứng nhu cầu của bộ phận lớn người nghèo thành thị Ấn Độ như nhà thu nhập thấp, việc làm cần kỹ năng cũng như hay không cần kỹ năng và các dịch vụ và trò giải trí chi phí thấp.
Nơi để kinh doanh
Trong khi Dharavi nổi tiếng với các khu lều trại ở đủ mọi kích cỡ và hình dáng tầng tầng lớp lớp, thì khu vực này cũng là một khu kinh doanh khá nhộn nhịp.
Dọc những con đường nhỏ quanh co cũng như một số đường phố chính, người ta có thể thấy khung cảnh với đầy các cơ sở kinh doanh tấp nập và doanh nghiệp nhỏ. Ở nơi có tên Kumbharwada, một phụ nữ ngồi trên chiếc chiếu nặn một nắm đất sét và cuộn lại thành một hình bông hoa lớn. Người đàn ông chân đất đi lại quanh chị, tay cầm một bình gốm từ trong nhà mang ra phơi nắng.
Ở một khu vực khác, một phụ nữ với một rổ rơm đặt thăng bằng trên đầu đi qua các cửa hàng bán trầu không, đồ uống lạnh và bình kim loại trong khi một người đàn ông khác lái xe đang rao bán bộ đồ chơi Domino.
![]() |
Shirish Patel, một kỹ sư và nhà quy hoạch đô thị tại Mumbai, nói: “Đây là nơi rất sôi động và nhộn nhịp. Mọi người đều bận rộn, không ai kêu ca phàn nàn gì. Họ đều làm một việc nào đó. Họ sống ở đây. Họ làm việc ở đây. Họ mở các cơ sở kinh doanh”.
Một nghiên cứu của Trung tâm Quy hoạch môi trường và Công nghệ dựa trên báo cáo của Trường Kinh doanh Harvard, phát hiện, Dharavi có gần 5.000 doanh nghiệp không chính thức, sản xuất hàng hóa trị giá khoảng 600 triệu USD mỗi năm.
Điều đặc biệt ở Dharavi là mỗi người ở đây đều tự xây cho mình một ngôi nhà và tự kiếm việc làm để nuôi bản thân và gia đình mà gần như không có sự hỗ trợ nào từ nhà nước.
Kalpana Sharma, một phóng viên độc lập tại Mumbai và từng viết một cuốn sách về khu vực này, nói: “Họ không tồn tại nhờ nhà nước, họ tồn tại dù không có nhà nước. Bất cứ việc quy hoạch lại nào cũng đều cần chú ý tới tinh thần kiên cường và tự thân lực ở đây”.
Một thị trường độc nhất
Dân số khổng lồ của khu ổ chuột này – trên 1 triệu người sống trên 550 mẫu Anh (1 mẫu tương đương khoảng 0, 4 hecta) – vừa là người tiêu dùng và nhà sản xuất các hàng hóa và dịch vụ.
Vinod Shetty, giám đốc ACORN Foundation India, cơ quan làm chủ Dự án Dharavi, nhận xét: “Dharavi đã trở thành thị trường của chính mình”.
Một lợi thế của việc có nhiều người như vậy sống và làm việc trên một khu vực nhỏ, Shetty giải thích, là người ta sản xuất ra hàng hóa không chỉ để bán ra bên ngoài mà còn để tiêu thụ ngay bởi ngay dân số trong khu. Điều này cho phép Dharavi có một nền kinh tế tự cung tự cấp với các ngành sản xuất, dịch vụ và thực phẩm để phục vụ dân cư ở đây.
Cư dân của Dharavi do đó có thể làm mọi thứ từ đi mua sắm cho tới ăn uống đến giặt là quần áo và đi xem phim mà không cần phải rời khỏi cộng đồng.
Trong một ngày lễ mới đây, một nhóm nam giới, đa số không đủ tiền vào các khu chiếu phim có điều hòa, đã tụ tập tại một phòng phim của vùng, ngồi trên những chiếc ghế gỗ hay trên sàn nhà, và xem bộ phim về Tamil. Giá vé là 20 rupee, tương đương khoảng 45 cent.
Bản chất là một khu ổ chuột của Dharavi cũng nuôi dưỡng một thị trường độc nhất bởi các cửa hiệu cao cấp tồn tại trong các trung tâm mua sắm và khu vực trù phú hơn ở Mumbai ít có khả năng mở chi nhánh tại Dharavi bởi sợ ảnh hưởng tới thương hiệu của họ, Shetty phân tích. Tương tự, “cư dân” Dharavi cũng không muốn mua những hàng hóa này vì chúng quá đắt đỏ và vì họ sống và làm việc ở Dharavi nên họ thích mua sắm luôn ở đây hơn.
Shetty nói tiếp: “Điều đã diễn ra là một thị trường duy nhất được tạo ra dựa trên chính dân số của vùng, họ mua dịch vụ và cũng làm việc trong chính những khu sản xuất đó. Vì thế, dựa vào tiêu dùng của chính vùng, họ đang trở thành một thị trấn tự cung tự cấp”.
Hiệu quả chi phí
Mức độ tập trung dân cư cao của Dharavi – là một trong những vùng có mật độ dân số dày nhất trên thế giới – cũng có ích các doanh nghiệp bởi họ có thể bán với khối lượng lớn.
Điều này còn cho phép doanh nghiệp nhỏ lẻ thu lợi nhuận do chỉ phải sử dụng phần nhỏ vốn của mình và nhiều lao động giá rẻ. Một cửa hàng bên vỉa hè ở Dharavi có thể chỉ bán vài miếng dưa hấu, nhưng nếu mang đi rao vặt, anh ta có thể kiếm được chút ít.
Hơn thế nữa, sự tập trung đông dân cư cho phép các doanh nghiệp tìm được bất cứ thứ gì cần thiết một cách nhanh chóng và dễ dàng, dù là nguyên liệu thô hay lao động có tay nghề và không có tay nghề, Shaikh Mobin, người sinh ra và lớn lên ở Dharavi và đang điều hành một doanh nghiệp tái chế rất thành công của gia đình, cho biết. Ngành tái chế của Dharavi có tổng cộng gần 200.000 lao động làm việc, hầu hết đều làm việc cả ngày, cả phụ nữ và trẻ em, theo báo cáo năm 2009 của Trường Kinh doanh Harvard.
Tuy nhiên, cũng có một lo ngại đối với các nhà quy hoạch đô thị là dự án quy hoạch lại Dharavi sẽ đẩy những gì vốn là một khu vực vốn đã quá tái đến thế khó khăn hơn.
Quy hoạch dự án có thể sẽ đẩy dân cư của Dharavi vào khu vực đất chỉ bằng nửa so với trước để dành không gian còn lại cho các khu tương mại và nhà ở. Mật độ dân cư cao như vậy sẽ không đủ tạo một khu vực hài hòa trên đất để tái bố trí cộng đồng, nhà quản lý quy hoạch thành phố Patel nói.
Ông nói: “Thực tế rất khó thực hiện quy hoạch ở đây”.
Bán theo khối lượng lớn và dễ dàng tìm kiếm lao động và nguyên liệu là một vài trong số nhiều cách giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí khi làm ăn tại Dharavi.
Các doanh nghiệp có nhiều lao động giá rẻ vì chi phí thuê nhân công ở đây thấp hơn nhiều các khu vực chính thức khác của Mumbai. Vị trí trung tâm trong thành phố khiến chi phí vận chuyển giảm xuống. Các hợp đồng được tiến hành và thành lập hay đóng cửa doanh nghiệp diễn ra chóng vì không có tệ quan liêu như ở các khu vực kinh doanh chính thức tại Ấn Độ.
Chủ lao động có thể trả cho người làm thấp hơn vì lao động có chi phí sinh hoạt thấp nhờ sinh sống ở Dharavi. Lao động không phải đi lại tốn kém và có nhà ở, lương thực, và dịch vụ rẻ hơn.
Dù nhiều người ta có thể cho là vô đạo đức, nhưng doanh nghiệp có thể trả lương thấp hơn bởi luật lao động khó có thể áp dụng cho những công việc phi chính thức. Điều này dẫn tới việc phần lớn ngành sản xuất của Mumbai chuyển sang các khu ổ chuột như Dharavi và trở thành không chính thức, Aneerudha Paul, giám đốc Viện Nghiên cứu Kiến trúc và môi trường Kamla Raheja Vidyanidhi ở Mumbai, nói.
Nhà giá rẻ và dịch vụ rẻ tại các khu ổ chuột còn cho phép người giàu ở Ấn Độ sống trong các nơi khác ở thành phố có thể thuê đầu bếp, người dọn dẹp, tài xế và người giữ trẻ với giá thấp.
Paul nói: “Khu ổ chuột tồn tại trong mối quan hệ cộng sinh với thành phố. Thành phố cần lao động cũng như người trong khu ổ chuột cần cơ hội”.