Đây thực sự là một cú sốc đối với nhiều người nhưng từ góc nhìn chuyên môn, các chuyên gia quốc tế đã có những lý giải về nguyên nhân thật sự khiến VQG Cát Tiên ‘trượt” di sản thiên nhiên thế giới?.
Những nỗi đau hiện thực
Theo bản đánh giá kỹ thuật của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong số 7 tiêu chí được đưa ra xem xét công nhận, VQG Cát Tiên chỉ đáp ứng được duy nhất 1 tiêu chí về Trạng thái bảo vệ.
Còn các tiêu chỉ còn lại đều không đạt yêu cầu. Trong đó,tiêu chí được đánh giá là quan trọng nhất để công nhận di sản thiên nhiên thế giới là giá trị đa dạng sinh học thì VQG lại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Jake Bruner, điều phối viên Chương trình khu vực ( Việt Nam, Campuchia, Myanmar) của IUCN là tổ chức tư vấn khoa học cho UNESCO đã trực tiếp đánh giá và đưa ra đề xuất đối với Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết: “IUCN không đề xuất công nhận VQG Cát Tiên vì giá trị đa dạng sinh học của VQG này chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của một di sản thiên nhiên thế giới”.
Theo đó, bản đánh giá cũng chỉ ra một loạt sai sót của đề cử do phía Việt Nam xây dựng. Khu vực đề cử rộng 8.000 ha, nằm trọn trong VQG Cát Tiên, chỉ chiếm 11% tổng diện tích VQG (73.878 m2). Việc khoanh một khu vực nhỏ giàu cây cối làm khu vực đề cử và bỏ qua cả một vùng rộng lớn xung quanh thưa thớt cây cối, hoang hóa, theo đoàn giám sát thực tế của IUCN, là sai lầm nghiêm trọng đứng trên quan điểm đa dạng sinh học.
Thêm vào đó, khu Cát Tiên có phần trùng với khu dự trữ sinh quyển thế giới và khu ngập nước Ramsar mà UNESCO đã công nhận trước đó.
VQG Cát Tiên được coi như báu vật thiên nhiên của Việt Nam lẽ ra cần được giữ gìn và bảo vệ thì câu chuyện đau lòng đã xảy ra vào tháng 4/2010, người ta đã nhẫn tâm giết cá thể tê giác Java cuối cùng để lấy sừng của nó. Thời điểm này cũng đánh dấu giai đoạn tuyệt chủng của quần thể tê giác ở Việt Nam.
Đến tháng 10/2012, khi bò tót của rừng đang ăn gần khu canh tác của cư dân cũng bị người dân bắn chết và xẻ thịt đem bán. Những sự việc đau lòng liên tục diễn ra cho thấy công tác bảo vệ rừng Cát Tiên còn quá lỏng lẻo.
Bàn về vấn đề này, ông Jake Bruner khẳng định: “Nếu các nỗ lực bảo tồn được phát huy hiệu quả từ 10 năm trước và hiện giờ VQG có một quần thể tê giác sinh sống ở đó thì hồ sơ của VQG Cát Tiên đã thuyết phục hơn rất nhiều”.
Lo lắng xa xôi
Trong bản đánh giá kỹ thuật của IUCN cũng đề cấp đến các mối đe dọa từ các đập thủy điện đã vận hành cũng như các đập đang được lên kế hoạch như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (nằm ở rìa phía Bắc khu Cát Lộc, cách VQG Cát Tiên khoảng 35 km qua một vùng đệm là huyện Cát Tiên).
Theo các chuyên gia IUCN, nếu các công trình thủy điện không được vận hành một cách đúng đắn thì nó sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến VQG Cát Tiên thông qua chế độ dòng chảy của sông Đồng Nai khi chảy qua các hệ thống bậc thang thủy điện này. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chúng ta đưa ra biện pháp cấm cản việc xây dựng cũng như vận hành các công trình thủy điện trong tình trạng đất nước đang thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay.
“Thay vào đó, để các đập thủy điện không còn là mối đe dọa đối với đa dạng sinh học VQG Cát Tiên thì việc xây dựng, vận hành các công trình phải đảm bảo giảm thiểu tới mức thấp nhất ảnh hưởng đến Vườn, đồng thời, bảo đảm điều hòa được lưu lượng và mực nước sông Đồng Nai ở hạ du và Bàu Sấu”, IUNC nhấn mạnh.
Với những phân tích chuyên môn trên đây của tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đã chỉ rõ những lý do khiến VQG Cát Tiên “trượt” di sản thiên nhiên thế giới.
Trong đó, những lo lắng về khả năng làm ngập 137 ha đất rừng ở khu rìa phía Bắc Cát Lộc của Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A làm ảnh hưởng cơ hội được đề cử di sản thiên nhiên thế giới của VQG đã không phải là vấn đề lớn được nhắc đến. Trên thực tế, đến thời điểm này dự án này vẫn chỉ là một công trình còn nằm trên giấy.
Trong khi đó, khu Cát Lộc trong tương lai rất có thể sẽ được tách ra khỏi VQG Cát Tiên để tập trung bảo tồn phần còn lại có giá trị của Vườn, vì “Đảo cô lập” Cát Lộc được sáp nhập vào vườn với mục đích bảo tồn loài tê giác Java, nhưng nay con tê giác cuối cùng đã bị giết hại thì việc tách biệt này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vị trí các dự án thủy điện đối với khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai:
Hai bậc thang thủy điện ĐN6 và ĐN6A nằm ở rìa phía bắc khu Cát Lộc của VQG Cát Tiên. Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu phụ trợ phục vụ thi công đều nằm ngoài phạm vi VQG Cát Tiên thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Hai dự án này có sử dụng 136,98 ha đất thuộc khu Cát Lộc VQG Cát Tiên để hình thành một phần lòng hồ và vai trái đập.
Đối với khu vực đề cử Di sản thiên nhiên thế giới là Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên, vị trí các dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A có khoảng cách trên 25km và còn bị phân cách qua thị trấn Đồng Nai là trung tâm huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng nên hai dự án này không tác động đến môi trường sống tự nhiên nơi đây và do đó sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của khu vực này.
Bộ NN-PTNT đã có công văn số 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012 báo cáo Thủ tướng CP hai dự án này không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập VQG Cát Tiên nhất là khu vực ngập nước Bàu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
Vị trí năm bậc thang thủy điện Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn, Ngọc Định thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai nằm ở vùng đệm khu giữa các vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là khu ngập nước nội địa Trị An và Khu Nam Cát Tiên của VQG Cát Tiên.
Phạm vi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai có tổng diện tích gần 1 triệu ha trải dài trên các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng. Phạm vi này bao gồm hồ và nhà máy thủy điện Trị An hiện hữu (là một trong ba vùng lõi), thủy điện Đồng Nai 5 (đang được xây dựng), thủy điện Đăk Sin (đang được xây dựng), hai bậc thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, năm bậc thủy điện từ Tà Lài đến Ngọc Định và gồm cả trung tâm huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng là thị trấn Đồng Nai. |