Trung Quốc đối mặt với những điểm yếu kéo dài thập kỷ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ lên cao. Để thay đổi, Bắc Kinh phải giảm sức mạnh của chính quyền và đây là điều mà ông Donald Trump mong muốn.
Rào cản thập kỷ
Theo CNBC, Ngân hàng Thế giới và chính phủ Trung Quốc vừa công bố một báo cáo chung cho thấy, tăng trưởng năng suất của Trung Quốc đã suy giảm đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và hiện ở mức tương đối thấp.
Theo báo cáo, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc cần tăng năng suất để thúc đẩy nền kinh tế vượt lên, nhưng cho đến nay chính quyền Bắc Kinh đã không thực sự thành công với điều này.
Nền kinh tế Trung Quốc từ lâu đã dựa vào mức đầu tư cao và sự mở rộng lực lượng lao động phục vụ cho mục đích tăng trưởng. Nhưng động lực kinh tế này đang cạn kiệt và chính quyền Trung Quốc đã xác định đổi mới và năng suất là động lực cho những bước tăng trưởng tiếp theo.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ở Trung Quốc đã chậm lại đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và hiện ở mức tương đối thấp. Ước tính tăng trưởng TFP của nước này đã giảm từ mức trung bình 3,71% trong 10 năm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008) xuống chỉ còn 1,55% trong thập kỷ sau khủng hoảng.
Nhiều nguy cơ đè nặng lên giới đầu tư Trung Quốc. |
Theo lý thuyết, TFP (total factor productivity) là một chỉ số được đo lường bởi tỷ số giữa tổng các yếu tố đầu ra (output) và tổng các yếu tố đầu vào (input). Nâng cao TFP là biện pháp gia tăng đầu ra bằng việc nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này.
Trên thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với sự chậm lại của tăng trưởng năng suất. Tuy nhiên, quy mô to lớn của nền kinh tế thứ 2 thế giới và sự hội nhập ngày càng gia tăng của nước này vào nền kinh tế toàn cầu cho thấy sự suy giảm của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới thế giới.
Nhưng quan trọng hơn, sự tăng trưởng chậm lại của năng suất là điểm yếu không dễ khắc phục và là một mối lo của Bắc Kinh trong bối cảnh nước này đang đối mặt cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa biết khi nào kết thúc.
Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn đối mặt với một nguy cơ lớn khác có thể ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, đó là sự sụt giảm dân số.
Nhiều năm gần đây, theo các chuyên gia trên National Interest, cho dù Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức để đảo ngược chính sách một con, nhưng có thể đã quá chậm để ngăn chặn hệ lụy của nó.
Theo đó, dân số của Trung Quốc sẽ sụt giảm không phanh sau khoảng 1 thập kỷ nữa. Lượng lao động sẽ giảm 200-400 triệu người khi dân số già hóa và giảm từ đỉnh 1,4 tỷ người (dự báo trong 2029) xuống còn 1,17 tỷ người trong 2065. Hệ lụy đối với kinh tế và xã hội là rất lớn.
Tiến thoái lưỡng nan, gặp khó với Donald Trump
Sự mất cân bằng về giới tính, tỷ lệ kết hôn sụt giảm, giá trị truyền thống về giống nòi suy yếu, chi phí nuôi con đắt đỏ, hạ tầng y tế yếu kém ở nhiều vùng miền, số người già tăng lên… sẽ khiến Trung Quốc rơi vào thảm kịch thiếu lao động, áp lực nặng nề cho ngân sách.
Sự thiếu hụt nhân lực lao động sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế Trung Quốc. |
Theo National Interest, cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng bởi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh chóng, từ 2 con số xuống còn chỉ khoảng trên 6%, trong khi nợ tăng lên mức kỷ lục hơn 250% GDP từ cuối 2018.
Một mô hình phát triển nhờ “khai thác triệt để lao động giá rẻ” của Trung Quốc đang nhanh chóng hụt hơi. Điều đáng ngại là Trung Quốc chưa nhìn thấy biện pháp khắc phục. Trong khi năng suất lao động sụt giảm thì lực lượng lao động ngày càng hao hụt. Trung Quốc cũng không thể học theo cách của Nhật Bản chào đón nguồn lực lao động nước ngoài bởi nước này được xem là không cởi mở với lao động ngoại.
Theo một dự báo của JPMorgan, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm xuống còn 5,5% trong giai đoạn 2021-2025 so với mức 6,5% hiện tại xuống chỉ còn 4,5% vào năm 2030. Điều này có nghĩa Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của WB về năng suất, Trung Quốc có 3 cách để vượt qua thách thức này. Cụ thể, Trung Quốc phải phân bố nguồn lực hiệu quả hơn. Có nghĩa, cần tập trung cải cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), để khu vực này trở nên cạnh tranh. Như vậy đòi hỏi Trung Quốc phải nghiêm khắc và kỷ luật hơn trong việc hỗ trợ các ngành nghề.
Song, việc này không dễ dàng chút nào khi đây cũng là điều tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Bắc Kinh phải thay đổi trong các cuộc đàm phán thương mại suốt hơn 1 năm qua. DNNN vẫn được Chính phủ nước này xem là công cụ để kiểm soát nền kinh tế và tạo ra những đế chế để cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài, trong đó có các tập đoàn của Mỹ.
Ông Donald Trump vẫn đang gây sức ép lên chính quyền Bắc Kinh. |
Cũng theo WB, để nâng cao năng suất, Trung Quốc cần thúc đẩy áp dụng các công nghệ tiên tiến và đổi mới. Cách để đạt được điều đó là mở rộng nền kinh tế hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không dễ làm được bởi các ông lớn nước ngoài đang ồ ạt rút khỏi Trung Quốc do lo sợ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại và một đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá mạnh.
Việc tăng cường quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng bằng sáng chế ở Trung Quốc cũng gặp khó bởi tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được xem là một phần của nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực của nước này vẫn phụ thuộc vào công nghệ lõi nước ngoài.
Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã thực hiện những giải pháp nói trên. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất và bứt phá, Trung Quốc cần phải chấp nhận một sự cân bằng hơn giữa nhà nước và thị trường. Thị trường sẽ đóng vai trò quyết định hơn và nhà nước đóng vai trò hỗ trợ thị trường nhiều hơn. Sức mạnh của hệ thống các DNNN, vốn là một công cụ của chính quyền Bắc Kinh, sẽ suy giảm.
Nền kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu 2019 vẫn ì ạch bất chấp chính phủ nước này mạnh tay kích thích. Khi những mức thuế cao mới của Mỹ áp lên hàng Trung Quốc có hiệu lực, tình hình được dự báo sẽ tồi tệ hơn.
Trong động thái mới nhất, ông Trump cho biết ông không cần đạt thỏa thuận với Trung Quốc trước mùa bầu cử 2020. Tổng thống Mỹ muốn có một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc và không chấp nhận một thỏa thuận chỉ giải quyết được vài điểm khác biệt giữa hai nước.
H. Tú